Nơi dừng chân của thanh niên Nguyễn Tất Thành
Chia sẻ về nơi dừng chân của thanh niên Nguyễn Tất Thành tại Sài Gòn, chị Trần Thị Quyên, người thuyết minh tại “Nhà Bác Hồ”, cho biết, căn nhà xưa kia là trụ sở của Liên Thành phân cuộc - một chi nhánh của Liên Thành thương quán. Liên Thành thương quán lại là 1 trong 3 bộ phận (gồm Liên Thành thương quán, Liên Thành thư xã và Dục Thanh học hiệu) của Công ty Liên Thành - một tổ chức kinh doanh do sĩ phu yêu nước ở tỉnh Bình Thuận thành lập năm 1906, trụ sở chính tại Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Trong đó, Trường Dục Thanh (Phan Thiết) chính là nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã đến dạy học trước khi vào Sài Gòn. Sau một thời gian giảng dạy ở Trường Dục Thanh, vẫn trăn trở về con đường cứu nước và có ý định ra nước ngoài để tìm chân lý, chàng trai Nguyễn Tất Thành quyết định rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Ngày 19-9-1910, được sự giúp đỡ của tổ chức Liên Thành về mọi mặt, Nguyễn Tất Thành đến Sài Gòn với giấy tờ mang tên Nguyễn Văn Ba, cùng đi có cụ Trương Gia Mô và Hồ Bá Tang (nằm trong Ban quản trị Liên Thành thương quán). Nguyễn Văn Ba đã đến Liên Thành phân cuộc (số 1-2-3 Quai Testard, Chợ Lớn; nay là số 1-3-5 Châu Văn Liêm, quận 5) làm việc và chờ có dịp ra nước ngoài tìm đường cứu nước.
Trong thời gian ở Liên Thành phân cuộc, thanh niên Nguyễn Văn Ba đã tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của anh chị em công nhân và tình hình đấu tranh của mọi tầng lớp nhân dân lao động ở Nam Kỳ. Ở đây cũng là nơi có phong trào Duy Tân và Đông Du hoạt động rất mạnh. Và cũng chính tại Liên Thành phân cuộc, Nguyễn Tất Thành - tức Nguyễn Văn Ba - đã bước vào “vô sản hóa” và sớm giác ngộ về ý thức giai cấp công nhân cho chính bản thân mình.
Đầu năm 1911, cụ Nguyễn Quý Anh vào Sài Gòn để điều hành Liên Thành phân cuộc, đã tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Ba quen biết thêm một số sĩ phu yêu nước ở Nam Kỳ. Nguyễn Văn Ba vui mừng nhận được những tin tức cho thấy từ Bắc vào Nam đều một lòng mong muốn đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập cho nước nhà. Tuy nhiên, trong đường lối đấu tranh của các cụ có một số điểm căn bản mà Nguyễn Văn Ba cảm thấy khó chấp nhận.
Với mối suy tư này, Nguyễn Văn Ba càng thêm trăn trở và muốn tìm đến những nơi có thể tiếp thu được đường lối đấu tranh hoàn hảo nhất để vận dụng vào công cuộc giải phóng quê hương. Sau này, khi trả lời phỏng vấn phóng viên Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh có chia sẻ: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi” (Báo Nhân dân, số ngày 18-5-1965). Trở lại thời điểm năm 1911, Nguyễn Văn Ba đã thuyết phục được thuyền trưởng con tàu Latouche Tréville chấp nhận cho một chân phụ bếp trên tàu. Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành với tên giấy tờ là Văn Ba đã theo con tàu Latouche Tréville rời bến cảng, thực hiện được ước vọng bấy lâu là ra nước ngoài tìm đường cứu nước. “Liên Thành phân cuộc là nơi đã ghi dấu những ngày lưu lại của Nguyễn Tất Thành khi đặt chân lên đất Sài Gòn, là nơi mà Nguyễn Tất Thành đã sống và làm việc như một người phu khuân vác thực thụ để tìm hiểu đời sống người dân lao động và tìm phương cứu nước. Chính tại khu nhà số 1-2-3 Quai Testard (nay là nhà 1-3-5 Châu Văn Liêm), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã khởi đầu sự nghiệp vĩ đại: giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân đế quốc, giành độc lập, tự do cho đất nước”, chị Trần Thị Quyên chia sẻ.
Địa chỉ đỏ
Chính vì ý nghĩa đó, ngày 16-11-1988, Bộ Văn hóa đã ra quyết định công nhận nhà số 5 đường Châu Văn Liêm là di tích lịch sử cách mạng. Ngôi nhà cũng trở thành địa chỉ đỏ, hàng ngày thu hút rất đông các bạn trẻ và cả người lớn tuổi từ khắp nơi trong cả nước đến thăm, tri ân Bác Hồ. Sau khi đến thăm, bạn Văn Lê Thanh Hoàng (phường 5, quận 5) bày tỏ: qua phần thuyết minh của hướng dẫn viên, mọi người đã hiểu rõ về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó càng kính yêu Bác. Các thanh niên tiêu biểu dự Đại hội Thanh niên tiên tiến TPHCM cũng đã vinh dự đến dâng hoa, dâng hương tại “Nhà Bác Hồ”. “Chúng con vô cùng cảm động và biết ơn Bác đã dành cả cuộc đời mình cho công cuộc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc Việt Nam”, các bạn trẻ thổ lộ. Cùng đi với các sinh viên khoa Văn hóa - Du lịch trường Đại học Sài Gòn đến thăm “Nhà Bác Hồ”, bạn Hồ Trọng Anh Duy không giấu được tình cảm: “Thông qua các hiện vật trưng bày, chúng con có thể hiểu thêm về Người, về những năm tháng mà Bác đã lưu lại ở miền Nam. Miền Nam trong trái tim Bác, cũng như miền Nam luôn hướng về Bác”. Thạc sĩ Nguyên Anh thì xúc động: “Thăm lại cơ sở của Liên Thành, cảm động trước tấm gương yêu nước của Liên Thành. Nhớ nơi nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Sinh Cung được sự đùm bọc của anh em đồng chí, lên đường đi cứu nước”. Đặc biệt, nhiều người đã có vinh dự và hạnh phúc khi được kết nạp đảng ngay tại địa điểm ý nghĩa này, như anh Nguyễn Minh Phú (Trung tâm Thể dục thể thao quận 5), chị Hồ Kim Liên (chi bộ Phòng Văn hóa thông tin quận 5)…
Những năm qua, “Nhà Bác Hồ” được bảo tồn kiến trúc là một ngôi nhà phố, gồm 1 trệt và 1 lầu, rộng khoảng 4m, dài khoảng 9m. Trên lầu có ban công nhô ra phía trước có thể thấy rõ dòng kênh lớn chạy xuyên tới bến Cảng Nhà Rồng. Hiện toàn bộ không gian bên trong di tích được sử dụng trưng bày bổ sung cho di tích. Tầng trệt đặt bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, 2 bên vách tường trưng bày chủ yếu các hình ảnh gợi nhớ làng quê của Người, các cơ sở của Liên Thành thương quán, bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1911. Tầng lầu bày trí các tài liệu, hình ảnh, tranh minh họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với ý thức bảo tồn di tích lịch sử, Đảng bộ, chính quyền quận 5 và ngành Văn hóa thông tin đã nhiều lần sửa chữa, trùng tu căn nhà này, sưu tầm và trưng bày những tài liệu, hiện vật có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là quãng đời thanh niên của Người với tên gọi Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Văn Ba.