Nhà 3 chung “lọt sổ” quy định tách thửa?

Các cơ quan chuyên môn đang ráo riết chỉnh sửa để trình UBND TPHCM ký ban hành quyết định (QĐ) mới, thay thế QĐ 33 về tách thửa đất. Văn bản mới phải đạt yêu cầu đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời khắc phục việc lợi dụng tách thửa để phân lô bán nền, hình thành những khu nhà ổ chuột mới ở các quận, huyện ngoại thành.
Những căn nhà xây sơ sài chỉ để lách quy định tách thửa nhằm chia nhỏ nền đất, đã làm ảnh hưởng đến chủ trương chung. Ảnh chụp tại dự án phân lô trên đường Nguyễn Xiển (quận 9, TPHCM).
Những căn nhà xây sơ sài chỉ để lách quy định tách thửa nhằm chia nhỏ nền đất, đã làm ảnh hưởng đến chủ trương chung. Ảnh chụp tại dự án phân lô trên đường Nguyễn Xiển (quận 9, TPHCM).
Dự thảo sửa đổi lần này có nhiều điểm mới tích cực, như quy định đối với các thửa đất có diện tích từ 2.000m² trở lên, bắt buộc người sử dụng đất phải lập dự án… Tuy nhiên, có một vấn đề nghiêm trọng xuất hiện tràn lan ở các quận, huyện vùng ven, gây bức xúc trong quản lý đô thị, nhưng chưa thấy đề cập trong dự thảo sửa đổi, đó là “nhà 3 chung” (chung số nhà, chung sổ đỏ, chung giấy phép xây dựng). 
Theo thống kê sơ bộ, sau 18 tháng thực hiện QĐ 33, toàn TP có hơn 4.000 trường hợp tách thửa và chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở. Việc này diễn ra ồ ạt ở những quận, huyện vùng ven, nhiều nhất là quận Thủ Đức, quận 9, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Trong đó, có không ít trường hợp là lợi dụng tách thửa để kinh doanh bất động sản.
Trong tháng 4-2017, lần đầu tiên UBND TP tổ chức họp giao ban khối đô thị; tại buổi họp, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở xây dựng, đã phát biểu gay gắt về vấn đề này. “Các đầu nậu lợi dụng khoảng hở của pháp luật để chia tách nhỏ khu đất nhằm bán nhà 3 chung giá rẻ. Khu đất khoảng 1.000m², xin giấy phép xây dựng nhà, chia tách nhiều căn, bán thông qua vi bằng, sau đó xin tách thửa đó ra, rồi xin xây dựng tiếp. Cách làm này dẫn tới chất lượng nhà ở, hạ tầng và quy hoạch không đảm bảo. Chưa hết, có tình trạng, đầu nậu mua đất nhưng lại không sang tên giấy chủ quyền, người nông dân vẫn đứng tên trên giấy phép xây dựng, còn nợ tiền sử dụng đất, rồi rao bán. Người mua căn nhà giá rẻ đó lại không biết, sau này rất dễ phát sinh hậu quả phức tạp. Theo tôi, vấn đề này liên quan đến quản lý đất đai và quản lý xây dựng, đề nghị UBND TP chỉ đạo nghiên cứu để đưa vào QĐ 33 sửa đổi”, ông Tuấn nói.
Trên thực tế, nhà 3 chung mọc lên đầy rẫy ở vùng ven, có những khu lên đến vài trăm căn nhà, không ai cam kết được chất lượng đường sá, hệ thống thoát nước thải, cấp nước, cấp điện cũng như việc đấu nối hạ tầng; đặc biệt, hậu quả pháp lý cũng khôn lường, bởi tất cả đều chung. Một lãnh đạo huyện đã nhận xét, “đó là biểu tượng của nhà ổ chuột kiểu mới”!
Trở lại với dự thảo sửa đổi QĐ 33. Mới đây, tại một cuộc họp với các sở ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa vẫn băn khoăn, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tiếp thu và hoàn chỉnh để đi đến phương án thống nhất. Hy vọng sự cẩn trọng của lãnh đạo TP sẽ tạo cơ hội để bổ sung thêm các chế tài, khắc phục các khiếm khuyết trong quản lý đất đai.

Tin cùng chuyên mục