Chia sẻ về công việc trong nhiệm kỳ qua, ông Hồ Đức Phớc nói, điểm đặc biệt trong nhiệm kỳ này là Kiểm toán Nhà nước đã mở rộng các lĩnh vực kiểm toán, tức là không chỉ kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán việc tuân thủ pháp luật mà còn đi vào kiểm toán hoạt động để đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của một nội dung, hoạt động kinh tế hay một chuyên đề nào đó để xác định trách nhiệm và hiệu quả của người đứng đầu.
* PHÓNG VIÊN: Không thể phủ nhận tầm quan trọng của kiểm toán, tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, có một "bước lùi" trong nhiệm kỳ này, đó là việc thực hiện kiến nghị liên quan đến hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản còn thấp (136/786 văn bản kiến nghị), thấp hơn so với nhiệm kỳ trước. Ông có bình luận gì?
- Ông HỒ ĐỨC PHỚC: Về phía Kiểm toán Nhà nước thì phát hành báo cáo kiểm toán là hoàn thành trách nhiệm chuyên môn cao nhất. Báo cáo đó có nêu những kiến nghị yêu cầu các đơn vị được kiểm toán phải thực hiện và sau đó Kiểm toán Nhà nước kiểm tra lại. Tuy nhiên việc sửa đổi văn bản phải có thời gian, phải qua quy trình chặt chẽ nên không theo kịp mong muốn. Tôi cho rằng, nhiệm kỳ này sửa được 136 văn bản cũng là cố gắng lớn, tất nhiên phải đẩy nhanh hơn nữa.
* Theo ông, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cả đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại hội trường đề nghị tổng hợp danh sách các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời kiến nghị kiểm toán, đề xuất phương án xử lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xử lý. Ông nghĩ sao về giải pháp này?
- Kiểm toán Nhà nước đã gửi văn bản đến Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đến lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan, nêu rõ cơ quan ban hành, nội dung cần sửa, như thế đã là thông tin rất cụ thể rồi.
* Thưa ông, trong những vấn đề được Kiểm toán Nhà nước nêu tại nhiệm kỳ thì hiệu quả hoạt động của các ngân hàng mua bắt buộc (hay còn gọi là ngân hàng 0 đồng) được các đại biểu rất quan tâm. Đến nay tình hình các ngân hàng này như thế nào?
- Vấn đề của các ngân hàng này Chính phủ đang tập trung xử lý, chắc chắn rồi sẽ tốt. Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán một lần vào năm 2017 thôi, thông tin cập nhật hơn phải hỏi Ngân hàng Nhà nước.
* Thực tế, ngay tại nghị trường, cũng đã có những người đứng đầu cơ quan được kiểm toán phản ứng khá gay gắt về kết quả kiểm toán. Ông có chịu áp lực từ những va chạm đó?
- Trong bất cứ tình huống nào cũng phải tôn trọng sự thật, chấp hành đúng quy định của luật và làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Ông cha ta nói "nói phải củ cải cũng nghe".
Dù có thể có va chạm nhưng vẫn bảo vệ kết quả kiểm toán theo đúng thực trạng đã phát hiện, có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng thì vẫn phải thực hiện để uốn nắn các sai sót có thể xảy ra. Dĩ nhiên, để làm được như thế thì người làm kiểm toán phải có đủ bản lĩnh. Cá nhân tôi không bị bất cứ áp lực hay khó khăn gì. Tôi nghĩ công việc là công việc, còn tình cảm với anh em đồng chí là chân thành, hòa đồng. Nhưng trong công việc mỗi người có một chức năng, nhiệm vụ thì mỗi người cần hoàn thành công việc của mình và mọi người phải hiểu và thông cảm cho nhau.
* Theo nghị trình, hôm nay 7-4, Quốc hội sẽ phê chuẩn người kế nhiệm ông. Ông có điều gì nhắn gửi đến người kế nhiệm?
- Độc lập, liêm chính, khách quan, chuyên nghiệp - đó là những điều cần có để hoàn thành nhiệm vụ.
* Ông tự đánh giá mình đã đạt được mức độ nào của các yêu cầu nói trên?
- Tôi luôn nỗ lực hết mình còn kết quả thế nào do mọi người đánh giá.
* Xin cảm ơn ông!