Hết sức quan tâm đến quyền lợi của nhân dân
Thời điểm đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng Bí thư, công cuộc Đổi mới từ Đại hội VI của Đảng năm 1986 thành công bước đầu; kinh tế - xã hội đất nước phát triển nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện. Thế nhưng, cùng với việc thực hiện mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thì vấn đề suy thoái đạo đức, lệch lạc về tư tưởng, tham ô, tham nhũng... ngày càng gia tăng, thậm chí là trở nên đáng báo động. Đó cũng là thời điểm những thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá bằng phương thức “diễn biến hòa bình”. Tình hình hết sức phức tạp.
Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã quyết tâm đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Và ngày 2-2-1999, Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay ra đời.
Cùng với việc đẩy mạnh chống tham nhũng, củng cố và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu quyết định vẫn tiếp tục thực hiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không chấp nhận việc quay lại nền kinh tế bao cấp. Khái niệm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” được cụ thể hóa trong hoàn cảnh đó, và được các nhiệm kỳ đại hội đảng về sau làm sáng rõ thêm cả về lý luận và thực tiễn.
Nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chủ trương sáp nhập, giải tán, hoặc ngừng hoạt động của một số ban, bộ phận trong cơ cấu tổ chức Đảng. Đồng chí nêu rõ, bộ máy lãnh đạo của Đảng phải tinh gọn thì mới hoạt động hiệu quả được; không cồng kềnh, chồng chéo thì mới chống được nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí… Tổ chức Đảng phải vững mạnh, thống nhất, đoàn kết thì mới lãnh đạo đất nước phát triển, giàu mạnh được. Đảng vững mạnh cũng chỉ nhằm phát triển đất nước, đảm bảo đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Đồng chí Lê Khả Phiêu hết sức quan tâm đến quyền lợi của nhân dân. Cùng với nâng cao đời sống kinh tế, an sinh xã hội, đồng chí chủ trương mở rộng và phát huy dân chủ cơ sở; coi đó là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nơi thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất; làm sao để người dân thực sự có quyền và phát huy được quyền làm chủ đất nước của mình; qua đó giúp Đảng lãnh đạo tốt hơn, xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh hơn.
Với tinh thần đó của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị khóa VIII đã ra Chỉ thị 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Cùng với công tác chỉnh đốn Đảng, đây cũng là một dấu ấn đậm nét của đồng chí Lê Khả Phiêu.
Từng là một người lính, trưởng thành từ khói lửa các cuộc chiến tranh của đất nước, từ Binh nhì năm 1950 đến Thượng tướng năm 1992; ở Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn có sự bình tĩnh, tự tin, sáng tạo trong mọi tình huống. Suốt trong những năm tháng bên đồng chí, tôi chưa bao giờ thấy đồng chí nổi nóng, quát mắng bất kỳ ai; kể cả trong những hội nghị quan trọng, có những ý kiến bất đồng sâu sắc, phê phán nặng nề, đồng chí vẫn luôn điềm đạm, bình tĩnh lắng nghe, sau đó mới tìm hướng diễn giải, làm rõ.
Đồng chí luôn cầu thị, lắng nghe và chịu khó học hỏi trong mọi hoàn cảnh. Với giới trí thức, khoa học, đồng chí rất trân trọng, chân thành. Bởi như nhiều lần đồng chí tâm sự: Mình là “lính tráng” đi làm chính trị, cái gì không biết thì phải học hỏi, lắng nghe; chuyện gì có lợi cho dân, cho đất nước, cho Đảng thì mình phải tiếp thu, cố gắng làm theo!
Phẩm chất người lính Cụ Hồ là gần gũi với nhân dân, tuân thủ kỷ luật tổ chức, hy sinh quyền lợi cá nhân vì tập thể, luôn cầu thị… thể hiện xuyên suốt quá trình công tác của đồng chí Lê Khả Phiêu, dù ở cương vị nào. Năm 1998 và 1999, trong những lần đi kiểm tra lũ lụt ở miền Trung và miền Nam, đồng chí đã xắn quần lội nước vào thăm, động viên từng nhà dân vùng bị lũ lụt. Đồng chí nói, có đi thực tế, nói chuyện với người dân thì mới rõ, rồi có chính sách, biện pháp phù hợp.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có 3 người con. Người con gái đầu lấy chồng bộ đội. Người con trai thứ 2 đi bộ đội. Và đến người con trai út cũng đi bộ đội. Đồng chí thường nói vui cùng chúng tôi: “Cả nhà tớ là bộ đội Cụ Hồ”!
Trong thời gian lâm bệnh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã “dặn dò” là khi qua đời thì được nằm ở Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội), vì nếu về quê thì lại phải xin đất, tổ chức đi lại, xây dựng phức tạp, làm phiền dân, gây tốn kém cho tổ chức và xã hội… Đồng chí cần kiệm, khiêm nhường cho đến lúc “ra đi”.