Nguyễn Thế Đoàn và những thước phim về Bác Hồ

Bây giờ, xem các phim tài liệu trong nước và nước ngoài về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người đều yêu quý những thước phim lịch sử: Bác tập võ, cưỡi ngựa, tắm bên suối, thăm đồng bào nông dân... và tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 tại Việt Bắc. Những thước phim đó do nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn thực hiện.
Nguyễn Thế Đoàn và những thước phim về Bác Hồ

Bây giờ, xem các phim tài liệu trong nước và nước ngoài về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người đều yêu quý những thước phim lịch sử: Bác tập võ, cưỡi ngựa, tắm bên suối, thăm đồng bào nông dân... và tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 tại Việt Bắc. Những thước phim đó do nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn thực hiện.

Cuối năm 1950, từ Khu 9 (miền Tây Nam bộ) ông được điều ra Việt Bắc để quay phim Đại hội Đảng toàn quốc. Trước ngày lên đường, Nguyễn Thế Đoàn được các đồng chí lãnh đạo dặn dò rất kỹ: ngoài nhiệm vụ được giao, ráng xin quay một số cảnh sinh hoạt của Bác Hồ để đồng bào Nam bộ thấy rõ Người. Từ Cách mạng Tháng Tám đến lúc đó, đồng bào Nam bộ chỉ thấy một tấm hình Bác trông gầy và không được khỏe. Bây giờ bà con muốn thấy rõ Người đi lại, hoạt động để yên lòng. Thế là Nguyễn Thế Đoàn lại nhận thêm một nhiệm vụ không kém phần quan trọng: quay phim về Bác Hồ để phục vụ đồng bào Nam bộ.

Nguyễn Thế Đoàn (người cầm máy quay phim, đứng sau Bác Hồ) tại Việt Bắc.

Nguyễn Thế Đoàn (người cầm máy quay phim, đứng sau Bác Hồ) tại Việt Bắc.

Đại hội Đảng kết thúc, Nguyễn Thế Đoàn lại tiếp tục quay Đại hội Mặt trận Liên Việt toàn quốc và một số hoạt động chính trị. Sau đó theo đề nghị của đoàn quay phim và được Trung ương chấp nhận, Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền và Diệp Minh Châu được đến làm việc tại nhà Bác Hồ. Các đồng chí lãnh đạo phân công Nguyễn Thế Đoàn quay phim, Đinh Đăng Định chụp ảnh và Diệp Minh Châu vẽ Bác Hồ. Riêng anh Lê Minh Hiền ngoài việc giúp nguyễn Thế Đoàn còn được chọn làm “mẫu” đóng vai đối phương để Bác chỉ cách luyện võ.

Nguyễn Thế Đoàn vác máy đi theo Bác thăm dân công, kiểm tra kho vũ khí, giảng bài, thăm Cao Bằng, Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ... Bác đi ngựa, đi bộ, lội suối, băng rừng... đều được Nguyễn Thế Đoàn ghi hình một cách cẩn thận... Sau đó Nguyễn Thế Đoàn và Lê Minh Hiền được đi Trung Quốc tráng phim. Do ánh sáng trong rừng không tốt, Nguyễn Thế Đoàn đã tự tay pha thuốc và tráng từng cuộn phim theo phương pháp thủ công nên 50 cuộn phim đều khá rõ.

Tháng 5-1952, Nguyễn Thế Đoàn và Lê Minh Hiền đi bộ suốt 16 tháng ròng trở về Nam bộ. Những thước phim và hình ảnh ghi ở Việt Bắc được chiếu và triển lãm cho đồng bào Nam bộ xem. Lần đầu tiên nhiều bà con, trong đó có cả bà con từ nội đô ra vùng ven, mới thấy được hình ảnh Bác Hồ. Bà con rất xúc động khi thấy Bác mạnh khỏe, năng động và gần với dân, với bộ đội. Sau Hiệp định Giơnevơ, Nguyễn Thế Đoàn tham gia Ủy ban Liên hợp đình chiến, được đi công tác ở Hà Nội rồi lại trở về Nam bộ, tập kết ra Bắc...

Những đoạn phim quý của Nguyễn Thế Đoàn được sử dụng trong phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và nhiều phim trong nước và ngoài nước. Những tấm ảnh quý của Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền, Diệp Minh Châu do Đinh Đăng Định chụp tặng Nguyễn Thế Đoàn đã được công bố. Bây giờ chúng ta biết rõ về thân thế và công lao to lớn của nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn. Ông là người có công lớn, là niềm tự hào của nền điện ảnh kháng chiến Nam bộ, của nền điện ảnh Việt Nam.

Ông có gần 80 năm tham gia Đảng Cộng sản và gần 60 năm trong nghề điện ảnh. Ông là một người lính cầm máy quay phim đã giữ lại cho chúng ta những ảnh vô giá về Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc...

Ông đã đi xa năm 2010. Trước đó, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba.

ĐINH PHONG

Tin cùng chuyên mục