Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình và 6 người khác.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa hoàn tất Cáo trạng lần thứ hai truy tố 9 bị can trong vụ án vỡ đường ống nước sông Đà-Hà Nội nhiều lần làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Theo đó, trong bản cáo trạng lần này, cơ quan tố tụng đã tiếp tục truy tố ông Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà) cùng 8 đồng phạm về hành vi "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
Tuy nhiên đáng chú ý, trong bản cáo trạng lần thứ hai này, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hủy quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) về hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, cơ quan tố tụng cũng ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố 6 bị can, gồm các ông: Nguyễn Văn Tuân, Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành đều là thành viên HĐQT Vinaconex giai đoạn 2003-2004, cùng ông Lại Văn Bích (Giám đốc Ban quản lý dự án) và ông Nguyễn Đức Lưu (Trưởng phòng Đầu tư).
Trước đó vào tháng 5-2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 7 bị can, trong đó có ông Phí Thái Bình vì những sai phạm liên quan đến vụ việc đường ống nước sông Đà - Hà Nội liên tục bị vỡ. Sau khi nhận được đề nghị phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình và 6 người liên quan, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã yêu cầu Cơ quan CSĐT điều tra thu thập tài liệu chứng cứ để làm rõ căn cứ khởi tố.
Kết quả điều tra và kết luận giám định xác định chưa đủ căn cứ để phê chuẩn các quyết định khởi tố 7 bị can, trong đó có ông Phí Thái Bình. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình và 6 người khác.
Trong khi đó, cáo trạng lần thứ hai chỉ rõ, dự án đường ống nước sạch sông Đà - Hà Nội do Vinaconex làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng từ năm 2004 - 2009. Tuy nhiên sau khi xây dựng, quá trình vận hành, khai thác hệ thống cấp nước này, nhiều tuyến ống liên tục bị nứt, vỡ nhiều lần khiến đơn vị khai thác, kinh doanh phải bỏ ra hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Nghiêm trọng hơn, việc đường ống nước sạch sông Đà - Hà Nội bị vỡ nhiều lần đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân Thủ đô với hơn 177.000 hộ dân bị mất nước sinh hoạt trong 386 giờ cùng lưu lượng nước bị ngừng trệ lên tới hơn 1,7 triệu m³.
Cơ quan chức năng xác định sự cố vỡ ống nước bắt nguồn từ việc các bị can trong vụ án đã nghiệm thu hơn 5.000 sản phẩm ống, phụ kiện ống composite dẫn nước không đạt chất lượng.