Nguyên Phó Bí thư Thành ủy PHẠM CHÁNH TRỰC:Làm lãnh đạo phải biết tập hợp người tài

PHÓNG VIÊN
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy PHẠM CHÁNH TRỰC:Làm lãnh đạo phải biết tập hợp người tài

PHÓNG VIÊN: Xung quanh sự kiện UBND TP tuyển dụng và bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP với một người không phải là đảng viên - TS Lê Nguyễn Minh Quang - đang được dư luận quan tâm, đồng chí có suy nghĩ gì về việc này?

Đồng chí PHẠM CHÁNH TRỰC: Đó là một tín hiệu tốt! Tôi rất mừng khi lãnh đạo TPHCM đã mạnh dạn trọng dụng người có trình độ, tâm huyết vào những vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý nhà nước hoặc chuyên gia các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội. Việc bổ nhiệm người ngoài Đảng giữ một số vị trí như vừa qua vẫn là quan điểm xuyên suốt của Đảng chứ không phải vấn đề mới mẻ. Hiện nay, cũng có nhiều nhà khoa học, chuyên gia là người ngoài Đảng được trọng dụng và đã có những đóng góp quan trọng trên lĩnh vực mình tham gia, như Giáo sư Đặng Lương Mô, cố vấn Đại học Quốc gia TPHCM; Giáo sư Võ Văn Tới, hiện đang giảng dạy tại Đại học Quốc gia; Giáo sư Ngô Bảo Châu với Viện Toán… Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện quan điểm trên của Đảng vẫn còn gặp trở ngại.

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phạm Chánh Trực

Cụ thể là những trở ngại nào?

Trở ngại thứ nhất là người ta hiện coi trọng lý lịch quá khứ một cách… quá đáng mà ít coi trọng cái hiện hữu của con người đó. Có thể trong quá khứ thân nhân hoặc bản thân họ có sai lầm gì đó nhưng hiện hữu họ là người yêu nước, có khả năng và rất tích cực đóng góp, muốn cống hiến cho đất nước thì chúng ta không nên hạn chế họ.

Trở ngại thứ hai là chúng ta hiện ưu tiên nhiều cho người trong Đảng một cách máy móc. Về nguyên tắc, khi bổ nhiệm cán bộ, các nơi đều nói rất hay, thậm chí phải đảm bảo: công khai, công bằng, cạnh tranh và thành tích; thế nhưng, đối tượng được ưu tiên khi tuyển chọn vẫn là đảng viên trước, sau đó mới đến thâm niên trong ngành, kinh nghiệm quản lý, bằng cấp… Đáng ngại nhất là quá trình chọn lựa nhân sự thường thiếu xem trọng tấm lòng đối với dân, với nước, thiếu hiểu biết động cơ của đối tượng

Trở ngại thứ ba là tình trạng thiếu dân chủ, thiếu công khai, thiếu minh bạch trong công tác sử dụng, bổ nhiệm cán bộ.

Nhưng công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đã có quy định khá rõ ràng?

Trong bổ nhiệm cán bộ, điều quan trọng là thực hiện dân chủ, tập trung dân chủ và vai trò của người dân, dư luận xã hội trong việc xem xét, đánh giá các trường hợp được bổ nhiệm. Thế nhưng, hai yếu tố này đang bị xem nhẹ. Về hình thức, các bước bổ nhiệm đều theo quy trình nhưng rõ ràng đã có không ít trường hợp để lọt lưới những người không xứng đáng. Khi phát hiện những sai phạm thì việc xem xét, xử lý cũng chưa được quyết liệt và công khai. Thậm chí có một số trường hợp, việc luân chuyển từ chỗ này sang chỗ khác nói ra thì rất đúng quy trình nhưng rốt cuộc lại bị dư luận phản ứng như trường hợp mới phát hiện ở Hậu Giang.

Theo đồng chí, việc thiếu công khai, minh bạch có phải cũng là lý do khó thu hút người tài vào bộ máy?

Để thu hút được nhân tài ngoài Đảng nói riêng, thuyết phục được nhân dân nói chung thì công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ lại càng phải dân chủ, công khai, minh bạch. Mình bố trí người lãnh đạo dân mà tại sao không cho dân biết? Đảng lãnh đạo quần chúng mà bố trí người lãnh đạo không ai biết, chỉ nội bộ lãnh đạo biết với nhau thôi thì tư tưởng đó, quan điểm đó tôi cho rằng cũ rồi, phải triệt để bỏ thôi. Việc “bí mật” tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ đó chỉ cần thiết trong thời kỳ hoạt động bí mật, khi chúng ta chưa có chính quyền và Đảng chưa phải là Đảng cầm quyền. Còn bây giờ Đảng ta là Đảng cầm quyền thì càng phải dân chủ, công khai, minh bạch cho dân rõ, ủng hộ.

Ông Lê Nguyễn Minh Quang (đứng giữa) - người ngoài Đảng vừa được UBND TPHCM bổ nhiệm làm Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP Ảnh: VIỆT DŨNG

Thiếu công khai, còn thiếu dân chủ là lý do quan trọng mà chúng ta thu hút được quá ít nhân tài ngoài Đảng phục vụ bộ máy điều hành. Trong khi đó, chúng ta sử dụng khá nhiều đảng viên không đủ năng lực, trình độ để đảm nhận những nhiệm vụ, công việc mà đáng lý ra nếu giao cho những người có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản, có năng lực, dù họ không phải là đảng viên, lại sẽ làm tốt hơn rất nhiều.

Theo đồng chí, TPHCM phải có cơ chế đột phá nào để thực hiện tốt hơn nữa chính sách sử dụng nguồn nhân lực - ở đây là tuyển dụng, sử dụng nhân tài?

Một quy luật chung là nơi nào người dân có môi trường thuận lợi để thực thi quyền làm chủ và lãnh đạo chính trị nhận thức được rõ ràng trách nhiệm của mình là thực hiện nghiêm túc vai trò “công bộc” của dân, thì nơi ấy phát huy đến cao độ nội lực của toàn dân và chiếm ưu thế. Trách nhiệm của lãnh đạo TP là tạo môi trường thông thoáng cho nhân tài trong và ngoài nước, trong Đảng và ngoài Đảng, nhất trí hợp tác phục vụ cho TP. Đảng không thể chỉ dành cho đảng viên những chức vụ quan trọng trong cơ chế quản lý điều hành nhà nước. Nhất là các vị trí chuyên môn, khoa học, công nghệ, quản lý kinh tế càng phải tạo điều kiện để người ngoài Đảng cống hiến. Lấy đức tài nói chung để xem xét, đề bạt cán bộ thì khó. Nhưng lấy hiệu quả công việc để đánh giá đức, tài của cán bộ thì ai ai cũng nhận biết được. Càng công khai, minh bạch, càng dân chủ để đảng viên và người dân được nói và nói có người nghe thì công việc đánh giá, đề bạt cán bộ càng chính xác. Người đứng đầu địa phương cần được tự chủ hơn nữa để mạnh dạn sử dụng người tài. Người lãnh đạo có thể chưa phải là người giỏi nhất về mọi mặt nên phải biết sử dụng được những người giỏi nhất bên cạnh mình. Cơ chế là do chính mình đặt ra, thấy bất hợp lý thì chúng ta phải sửa nó.

Xin cảm ơn đồng chí!

HỒNG HIỆP (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục