Nguyên nhân mưa như trút ở TPHCM

Theo các chuyên gia khí tượng, hình thái chủ đạo ở TPHCM và Nam bộ hiện nay là nắng - mưa xen kẽ. Ban ngày có nhiệt độ cao nên đến chiều sẽ xảy ra dông nhiệt.

D673FB6F-201C-4579-A48C-357C8AE2232A.jpeg
Cơn dông kéo mây đến từ trưa 7-6 tại TPHCM. Ảnh: CTV QUỐC ANH

Mưa bắt đầu tái xuất hiện và gia tăng ở Nam bộ, Tây Nguyên từ hôm qua đến chiều nay 7-6. Nguyên nhân do đang có một vùng hội tụ xoáy ở tầng trung trên Biển Đông (tại khu vực Trường Sa), nên khu vực Tây Nguyên và Nam bộ sẽ “hút” mây, mưa.

IMG_9718.jpeg
Đến chiều 7-6, TPHCM có mưa như trút. Ảnh theo Fanpage "Tôi là dân Thủ Đức"

Số liệu từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, trong ngày 7-6, tại Nam bộ và Tây Nguyên đã có đợt mưa to đến rất to trên diện rộng. Tính đến chiều 7-6, nhiều trạm đo mưa trong khu vực đã ghi nhận lưu lượng mưa vượt 50mm trong khoảng thời gian ngắn, như: Ya Xiêr (Kom Tum) 56mm, Đoàn Kết (Lâm Đồng) 67mm, Mỹ Lợi (TPHCM) 152mm, Phú Thạnh (Đồng Nai) 127mm, Phước Hội (Vũng Tàu) 61mm…

Dự báo ngày 8-6, Tây Nguyên và Nam bộ tiếp tục mưa rào và dông, cục bộ có mưa to trên 50mm (thời gian tập trung vào chiều và đêm).

Trong khi ngày 7-6, khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận lại có nắng nóng 35-36 độ C. Những địa phương như Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận… trên 36 độ C. Dự báo, tình trạng này còn kéo dài thêm hai ngày 8 và 9-6, từ ngày 10-6 nắng nóng ở khu vực này mới tạm lắng dịu.

Tối 7-6, một số nơi ở phía Tây Nam Hà Nội lại có mưa kèm sấm sét. Cơ quan khí tượng cảnh báo, từ ngày 8 đến 9-6, do xuất hiện đợt không khí lạnh trái mùa, tình trạng mưa lũ sẽ tái xuất ở Bắc bộ, dự báo lũ tiểu mãn (đầu mùa) trên sông Thao (sông Hồng) có thể lên trở lại.

Dự báo, lưu lượng mưa ngày 8-6 ở Bắc bộ khoảng 100mm, ngày 9-6 khoảng 120mm (có nơi có mưa rất to). Đến ngày 11-6, mưa mới giảm, sau đó nắng nóng từ ngày 12-6, nhưng từ ngày 16-6 có mưa trở lại. Từ ngày 20-6, miền Bắc và miền Trung có thể xuất hiện một đợt nắng nóng đáng kể trong tháng 6.

Tin cùng chuyên mục