Theo các chuyên gia khí tượng, nguyên nhân gây mưa đá kèm lốc trong cơn dông lớn ở TPHCM và nhiều nơi tại Đông Nam bộ chiều 14-6 là do có một vùng nhiễu động từ Biển Đông di chuyển vào, kích thích dông nhiệt phát triển về chiều.
Dự báo đến chiều mai 15-6, tình trạng này vẫn còn tái diễn. Từ mai, khu vực Tây Nguyên cũng có mưa dông trở lại (cục bộ ở khu vực tỉnh Lâm Đồng) sau vài ngày ngưng mưa do ảnh hưởng của áp thấp nóng ở miền Bắc và miền Trung.
"Dự báo đợt mưa này ở miền Nam sẽ xuất hiện rất nhiều ngày", một chuyên gia khí tượng chia sẻ với PV Báo SGGPO.
Còn Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thông tin, trong ngày 13 và 14-6, miền Bắc và miền Trung hứng chịu nắng nóng oi bức diện rộng. Nhiệt độ tại Hà Nội và Hòa Bình ngày 14-6 đều vượt 37 độ C; còn tại TP Vinh (Nghệ An) 38,2 độ C, Hương Khê (Hà Tĩnh) 39,4 độ C, Đồng Hới (Quảng Bình) 38,3 độ C, Tam Kỳ (Quảng Nam) 38,4 độ C, Tuy Hòa (Phú Yên) 38,8 độ C…
Dự báo từ ngày 15 và 16-6, miền Trung tiếp tục nắng nóng đến nắng nóng đặc biệt gay gắt. Dấu hiệu mưa ở miền Trung rất ít, còn dấu hiệu nắng nóng thì kéo dài nhiều ngày nữa, nhiệt độ trên 39 độ C.
Ở miền Bắc từ ngày 15-6, đợt nắng nóng bắt đầu dịu giảm, đồng thời miền núi phía Bắc sẽ bước vào một đợt mưa to gió mạnh tương tự như đợt vừa qua, kéo dài đến ngày 17-6.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, lượng mưa ở các tỉnh miền núi Bắc bộ có nơi sẽ vượt 150mm, còn ở Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ khoảng 70mm. Vì vậy, nguy cơ ngập lụt, sạt lở sẽ tái diễn ở cả miền núi như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… lẫn các đô thị ở đồng bằng như Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Hải Phòng…
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cũng cảnh báo, từ chiều tối 14-6 đến ngày 15-6, ở Tây Nguyên và Nam bộ có mưa to trên 60mm. Sau đó, ngày và đêm 16-6, vùng núi và trung du Bắc bộ có mưa vừa, có nơi mưa to; mưa dông ở Tây Nguyên và Nam bộ còn có khả năng duy trì trong nhiều ngày tới (thời gian mưa tập trung vào chiều và tối).