Đó là thông tin được Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07), Công an TPHCM cung cấp tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022, diễn ra ngày 14-1.
Phòng PC07 cho biết, trong năm 2021 TP chịu tác động lớn, kéo dài của đại dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại, kinh tế đình trệ nhất là các ngành nghề dịch vụ thương mại. Trong trạng thái "bình thường mới", TP tập trung đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, khiến nhu cầu sử dụng năng lượng, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng.
Đặc biệt là năng lượng điện, xăng dầu, khí đốt và khối lượng hàng hóa phục vụ đời sống,… dẫn đến việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng…
Trong năm 2021, TPHCM đã xảy ra 374 vụ việc liên quan đến cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ. Trong đó có 212 vụ cháy, nổ làm chết 26 người, 38 người bị thương, thiêu rụi khoảng 27.000 m² diện tích nhà xưởng, hàng trăm nhà dân cùng nhiều tài sản, máy móc thiết bị. Ước tính khoảng 6,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có 162 vụ tai nạn, sự cố và PC07 cùng các đơn vị đã triển khai 140 vụ, cứu được 76 người, tìm thấy 32 thi thể. Ngoài ra, lực lượng PC07 còn trực tiếp cứu 70 người, hướng dẫn 118 người tự thoát nạn trong các đám cháy.
TP Thủ Đức xảy ra nhiều vụ cháy nhất khi chiếm 45/210 vụ. Loại hình cháy nhiều nhất là nhà ở đơn lẻ, chiếm 88/210 vụ. Nguyên nhân gây cháy phổ biến nhất là do sự cố các hệ thống, thiết bị điện trong sinh hoạt, sản xuất, chiếm 106/152 vụ đã xác định nguyên nhân gây cháy, tỷ lệ 69,74%.
Nổi lên trong năm 2021 là tình hình cháy tại các nhà ở kết hợp kinh doanh - sản xuất. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu được nhận định ngay từ ban đầu là do sự số hệ thống thiết bị điện tại các nhà ở đơn lẻ và các công ty - doanh nghiệp.
Đa số các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại các nhà ở đơn lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh chỉ có 1 lối thoát nạn duy nhất, là thời điểm ít người qua lại, việc phát hiện và báo cháy không được kịp thời. Do vậy, đám cháy thường phát triển mạnh, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng.
Khu vực xảy ra cháy nằm trong các khu dân cư, tại các hẻm nhỏ và sâu, ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp cận, triển khai công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.
Trong năm 2021, Phòng PC07 đã điều động gần 400 cán bộ chiến sĩ tăng cường xuống Công an các quận huyện, TP Thủ Đức để đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống dịch Covid-19. Cũng trong năm này, đơn vị đưa vào sử dụng ứng dụng báo cháy và sự cố, tai nạn Help 114. Đến nay đã có hơn 30.000 người tải ứng dụng này về ĐTDĐ để sử dụng. Phòng PC07 cũng tiếp nhận hơn 12.500 cuộc gọi đến Help 114.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác PCCC&CNCH vẫn còn tồn tại những bất cập khó khăn, hạn chế. Do tập trung phát triển kinh doanh nên hầu hết người đứng đầu các hộ gia đình kết hợp kinh doanh đều chưa quan tâm, chú ý đến các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC.
Mặt khác, các khu dân cư đã hiện hữu, tồn tại từ lâu năm nên rất khó khăn trong việc mở lối thoát nạn thứ 2, không thể cải tạo mở thêm cửa thoát nạn do hầu hết các nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh có kết cấu nhà ống, xây dựng liền kề nên khi xảy ra cháy, nổ có nguy cơ cao gây thiệt hại nghiêm trọng về người.
Bên cạnh đó, các khu dân cư mới cũng chưa được thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC từ việc quy hoạch đến phê duyệt bản vẽ kiến trúc trước khi cấp phép xây dựng. Nhiều trang bị phương tiện PCCC&CNCH và vật tư kỹ thuật phục vụ chiến đấu cũ, hư hỏng, đặc biệt là xe chữa cháy.
Một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC còn chưa phù hợp với thực tế gây khó khăn không nhỏ trong việc hướng dẫn thực hiện tại địa phương…