Nguyên nhân ban đầu khiến 222 người nhập viện vì ngộ độc tại Nha Trang

Ngày 15-3, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa thông báo kết luận về kiểm tra, giám sát việc thu dung, điều trị bệnh nhân ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Theo đó, trong việc điều trị, bước đầu Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đề xuất điều trị theo hướng nhiễm trùng, nhiễm độc đường tiêu hóa do tác nhân Salmonella group với kết quả tham khảo kháng sinh đồ sớm nhất từ Bệnh viện đa khoa Vinmec để cân nhắc việc lựa chọn kháng sinh cho phù hợp. Tiếp tục theo dõi diễn biến bệnh và cập nhật kết quả xét nghiệm.

Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị ca bệnh có liên quan đến vụ việc nêu trên mới đến nếu có, tiếp tục chăm sóc điều trị bệnh nhân, đồng thời chủ động theo dõi sát các ca bệnh đang điều trị nội, ngoại trú tại đơn vị. Khi có ca bệnh diễn biến bất thường, chuyển nặng cần kịp thời hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa để đưa ra giải pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân tránh chậm trễ để người bệnh chuyển biến nặng, vượt quá khả năng chuyên môn của đơn vị.

ngodoc-4255.jpg
Sở Y tế Khánh Hòa có kết luận ban đầu về vụ việc

Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì phối hợp với các trung tâm y tế và phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục điều tra dịch tễ, điều tra và truy xuất nguyên nhân ngộ độc, cắt nguồn lây nhiễm bệnh, tăng cường truyền thông giáo dục người dân ăn uống hợp vệ sinh trong mùa nắng nóng, rà soát kiểm tra các dạng thực phẩm nguội, đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh trên địa bàn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, khuẩn Salmonella được tìm thấy ở nhiều loại thực phẩm, bao gồm thịt gà, gà tây, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau mầm, các loại rau khác và thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như bơ hạt, bánh nướng đông lạnh...

Vào cuối năm 2022, Salmonella cũng là nguyên nhân gây nên vụ ngộ độc cho gần 400 học sinh tại Trường iSchool Nha Trang.

Tin cùng chuyên mục