Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên. Ảnh T.B
Khu vực đài tưởng niệm 468 ở thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, gần Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, được xây dựng trên cao điểm 468, liền kề với các cao điểm 1509, 772, 685,… vốn là chiến trường ác liệt trong giai đoạn 1984-1988 và đã có rất nhiều liệt sĩ đã hy sinh nơi đây, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
Chỉ riêng trong ngày 12-7-1984, cách đây đúng 35 năm, đã có tới gần 600 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và hơn 1.000 người bị thương trong các trận chiến đấu quyết liệt ở các điểm cao này. Ngày 12-7 cũng chính là ngày được lấy làm “ngày giỗ chung” các tất cả những liệt sĩ đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên.
Chính tại mặt trận Vị Xuyên này, với lời thề “Sống bám đá, chết hóa đá, hóa thành bất tử”, các anh đã anh dũng chiến đấu với phương châm “Một tấc không đi, một ly không rời”, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Những ngày này của 35 năm trước, bộ đội ta mở Chiến dịch MB84 giành lại các điểm cao trên biên cương Tổ quốc ở khu vực Vị Xuyên bị quân xâm lược chiếm đóng trái phép trước đó. Sư đoàn bộ binh 356 chủ công, phối hợp với các cánh quân của các Sư đoàn 312, 313, 316 và nhiều đơn vị khác thực hiện chiến dịch đó.
35 năm sau những trận chiến đấu vô cùng ác liệt, rất nhiều hài cốt của những chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc vẫn còn nằm lại ở chiến trường, chưa thể quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ, về với gia đình, đồng đội, để lại nỗi day dứt, khắc khoải khôn nguôi trong tâm can của những đồng đội còn sống…
Hàng năm, cứ đúng ngày 12-7, rất đông những cựu chiến binh, cùng gia đình các liệt sĩ, các tổ chức đoàn thể từ mọi miền đất nước về Vị Xuyên để tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên nói riêng và trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc cách đây 40 năm nói chung.
Bức phù điêu đá với lời thề người lính Vị Xuyên "Sống bám đá. Chết hóa đá. Thành bất tử" ở trung tâm khu tưởng niệm và đài hương 468. Ảnh T.B Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng phu nhân và đoàn đại biểu thành kính tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở đài hương 468. Ảnh T.B
Một cựu chiến binh tưởng niệm đồng đội của mình ở đài hương 468 sáng 12-7. Ảnh T.B Một đoàn thiện nguyện trẻ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở đài hương 468 trong sáng 12-7. Ảnh T.B Cũng trong sáng nay, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng các nhà tài trợ thuộc nhóm từ thiện TPHCM phối hợp với Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và tỉnh Hà Giang tiến hành trao tặng 276 căn nhà Chữ thập đỏ và quà cho các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Hà Giang.
Trò chuyện với với các cựu chiến binh và bà con các dân tộc tại buổi lễ, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Lịch sử đất nước, dân tộc không bao giờ quên công ơn, sự hy sinh của chiến sĩ và đồng bào ở Hà Giang nói riêng và cả tuyến biên giới phía Bắc trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc cách đây 35-40 năm.
Ngày nay, đất nước đã đổi mới, phát triển, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, Hà Giang cần chủ động kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt đời sống cho các gia đình có công, các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh và đồng bào dân tộc ít người. Biên cương có giàu mạnh, vững vàng thì đồng bằng, thành phố mới yên tâm phát triển được.
Nguyên Chủ tịch nước cũng mong muốn các nhà tài trợ, những nhà hảo tâm là cá nhân, doanh nghiệp, tập thể trên mọi miền đất nước, nhất là ở 2 trung tâm kinh tế lớn TPHCM và Hà Nội quan tâm nhiều hơn, có nhiều chương trình thiết thực giúp đỡ Hà Giang nói riêng cũng như những tỉnh biên giới phía Bắc còn nhiều khó khăn nói chung; Giúp Hà Giang và các tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, giàu mạnh, từ đó làm tròn trách nhiệm là phên dậu biên cương, bảo vệ vững chắc biên giới, lãnh thổ phía Bắc của Tổ quốc.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quà biển chứng nhận nhà Chữ thập đỏ cho các cựu chiến binh từng tham gia mặt trận Vị Xuyên có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Giang. Ảnh T.B
Các cựu chiến binh nhận chúng nhận nhà Chữ thập đỏ và quà từ các nhà tài trợ tại buổi lễ. Ảnh T.B Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các cựu chiến binh Sư đoàn 356 từng tham gia mặt trận Vị Xuyên tại buổi lễ. Ảnh T.B