Nguyễn Chí Ngoan: Viết để tri ân nơi đã cưu mang mình

Nhà văn Nguyễn Chí Ngoan (28 tuổi) hiện là giáo viên tiểu học ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.
Nguyễn Chí Ngoan: Viết để tri ân nơi đã cưu mang mình

Trước khi nhận giải Khát vọng Dế Mèn vào năm 2020, anh từng ra mắt tập truyện ngắn Bến chờ (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019); sau đó, anh tiếp tục cho ra mắt tập tản văn Mưa miền đất mặn (NXB Kim Đồng, 2021), tập truyện ngắn Rồi nắng cũng lẻ loi (NXB Kim Đồng, 2022), và mới đây là truyện dài Căn cước U Minh.

Với những ai từng yêu mến cảnh sắc và con người miền Tây trong tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, hay các tác phẩm Dòng sông thơ ấu, Con chim vàng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, có lẽ khi đọc Căn cước U Minh của Nguyễn Chí Ngoan cũng dễ dàng tìm thấy những điều thân thuộc. “Khi bắt đầu viết truyện thiếu nhi, tôi đọc rất nhiều tác phẩm của các bậc đàn chú, đàn anh đi trước. Thú thật, tôi đã bị choáng ngợp trước tài năng của họ. Thấy miền Tây Nam bộ hiện lên thật lung linh và đậm vị biết bao”, Nguyễn Chí Ngoan chia sẻ.

Bằng giọng văn chân chất, mộc mạc, đậm chất Nam bộ, Nguyễn Chí Ngoan đưa người đọc về với xóm U Minh, cùng buồn vui, khóc cười với những đứa trẻ Đen, Đan, Kiểu…, có lúc chúng quậy tưng bừng nhưng cũng có lúc khiến người đọc rưng rưng bởi tình cảm dành cho bạn bè; hay những con người kém may mắn như bà Thầy Chùa, chế Ba, vợ chồng chị Hương - anh Mạnh…

Nguyễn Chí Ngoan nói, anh đã ấp ủ Căn cước U Minh từ rất lâu. Khi mới bắt đầu tập viết truyện, anh có dự định viết một quyển sách về tuổi thơ của mình, về những đứa trẻ cùng anh lớn lên, về vùng đất đã cưu mang mình. Anh bộc bạch: “Tôi nghĩ, khi viết về một điều gì đó, mình phải thật sự hiểu biết về nó, có sự trải nghiệm thì mới viết được. Tôi sợ khi viết về vùng đất khác, dáng vẻ của người miền Tây đang bơi xuồng, chèo ghe, cất vó sẽ không tài nào dứt ra khỏi suy nghĩ của mình. Tôi thấy có rất nhiều tác giả có giọng văn rất đặc trưng, chỉ viết riêng ở nơi mình sống vẫn có tác phẩm chinh phục được nhiều bạn đọc ở những vùng miền khác nhau”.

Có một khởi đầu với văn học thiếu nhi khá thuận lợi khi nhận giải Khát vọng Dế Mèn, theo chia sẻ của Nguyễn Chí Ngoan, giải thưởng đã tạo cho anh động lực để viết tiếp những gì còn đang dang dở. “Ở những truyện ngắn đầu tiên viết cho thiếu nhi, tôi luôn bị nhận xét là “người lớn quá”. Khi viết cho thiếu nhi, người viết không thể dùng lăng kính của người lớn để viết mà phải tập làm bạn với các em, chơi cùng các em. Với tôi, thách thức lớn nhất khi viết cho thiếu nhi là làm thế nào để khi đọc, các em không có cảm giác mình bị dạy đời”, Nguyễn Chí Ngoan bày tỏ.

Vài năm trở lại đây, không khí sáng tác cho thiếu nhi khá sôi động, điều này ít nhiều cũng tác động, trở thành nguồn động viên, khích lệ đến nhiều tác giả sáng tác cho thiếu nhi. Nguyễn Chí Ngoan nhìn nhận, điều này cũng chính là động lực để anh tiếp tục viết cho thiếu nhi. Duy trì các cuộc thi viết cho thiếu nhi cũng là cách để các tác giả chịu khó tìm tòi, sáng tạo hơn trong trang viết của mình.

Tin cùng chuyên mục