Mới đây, trên trang mạng vanhoahoc.edu.com (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) đã có bài giới thiệu “Người Thăng Long xây dựng thành Bắc Kinh” và đặc biệt là bộ phim “Tử Cấm Thành (ảnh) - Di chúc của một bạo chúa” nhân sự kiện đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Những tài liệu này cho thấy, tổng công trình sư xây dựng Tử Cấm Thành chính là Nguyễn An (sinh năm 1381), người Hà Đông, bị quân Minh bắt sang Trung Quốc vào thời đó cùng hàng nghìn tù binh người Việt Nam khác. Bộ phim này dài 53 phút, được chiếu trên Đài Truyền hình ZDF Dokukanal của Cộng hòa Liên Bang Đức vào năm 2008. Trên mạng You Tube bộ phim được chia làm 6 phần, có phụ đề tiếng Việt và được nhiều người bình luận (comment) là dịch tiếng Việt sát nghĩa.
Qua bộ phim, người ta thấy được vai trò rất quan trọng, sự thông minh và biệt tài kiến trúc đô thị, cũng như tài chỉ huy tổ chức thực hiện xây dựng của tổng công trình sư Nguyễn An đối với một công trình vĩ đại của Trung Quốc là Tử Cấm Thành, còn tồn tại mãi đến ngày nay.
Câu chuyện bắt đầu bằng việc Chu Đệ (tức vua Chu Nguyên Chương) ở phủ Bắc Bình (nay là Bắc Kinh) tìm cách cướp ngôi của người cháu đang làm Hoàng đế là Doãn Văn, đóng đô tại Nam Kinh. Chu Đệ được rèn luyện ngay từ nhỏ, mưu lược hơn người, lại được thầy bói tiên đoán sự nghiệp sau này hơn người, sẽ lên ngôi vua trị vì thiên hạ. Vì thế, khi Doãn Văn thả hai con trai Chu Đệ, vốn đang là con tin, về Bắc Bình đã giúp Chu Đệ quyết tâm cướp ngôi. Bằng cách mua chuộc các quan chức và lính canh cửa, Chu Đệ tiến được vào kinh thành Nam Kinh, đốt phá cung điện. Doãn Văn thua hoặc chạy trốn, hoặc đã chết trong loạn lạc, mà đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Chu Đệ lên ngôi, hiệu là Vĩnh Lạc Hoàng đế.
Ngay khi lên ngôi, Chu Đệ lo sợ Doãn Văn trả thù nên quay về đất của mình là Bắc Bình, đổi tên là Bắc Kinh, tiến hành xây dựng cung điện mới. Nguyễn An, tù nhân Việt Nam, khi bị bắt qua Trung Quốc đã bị hoạn, trở thành Thái giám. Nguyễn An được Vĩnh Lạc Hoàng đế tin dùng, vì Vĩnh Lạc chỉ tin Thái giám, sợ quan lại sẽ phản mình và thật sự Nguyễn An là người tài năng. Quá trình từ khi quyết định, chuẩn bị và xây dựng hoàn thiện Tử Cấm Thành kéo dài 17 năm. Trong đó có 13 năm được dành để thiết kế công trình, chuẩn bị tập kết nguyên vật liệu từ khắp nơi trên đất nước Trung Hoa, kể cả sử dụng kênh đào cả ngàn cây số để vận chuyển gạch lát, và chỉ có ba năm (1417 - 1420) đã xây dựng, lắp ráp hoàn thành công trình.
Về tài năng của Nguyễn An, bộ phim đã chỉ rõ Tử Cấm Thành được ông thiết kế theo quan niệm vũ trụ trời tròn đất vuông, nơi ở của Vua là ở vị trí trung tâm (như sao Bắc Đẩu trên bầu trời), với kiến trúc hào nhoáng và diễm lệ như cảnh thiên giới dưới hạ giới. Để thiết kế 4 tháp tại bốn góc thành, Nguyễn An vô tình quan sát lồng con dế yêu của mình và thiết kế một cách ngẫu nhiên, được Vĩnh Lạc khen ngợi. Trong đó có Thiên An Môn - cổng trời bình yên, nằm xa nhất ở phía Nam, một điểm tham quan nổi tiếng ngày nay khi đến Bắc Kinh.
Vào lúc đó, Nguyễn An đã dùng một công trường rộng chuẩn bị vật liệu, từ đục đẽo, tính toán độ dài ngắn của các xà ngang để rồi sau đó chỉ cần gác lên nhau là vừa khít. Một điểm nhấn quan trọng, giữa các bậc thang phía trước Điện Thái Hòa còn trống, làm sao đưa một khối đá chạm rồng lắp vào nặng hàng trăm tấn, cách xa hàng trăm kilômét. Trong điều kiện trời rét khắc nghiệt và sức người có hạn, ông đã cho đào hàng trăm giếng cách đều nhau, đổ nước lên để nước đóng thành một lớp băng và như thế dễ dàng kéo tảng đá về cung điện.
Các tư liệu lịch sử khác cũng cho biết, sau khi hoàn thành một năm, năm 1421 ba điện lớn (điện Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa) cùng hai cung Càn Thanh, Khôn Ninh bị cháy. Nguyễn An được giao xây lại và chỉ một năm sau ông đã hoàn thành.
Vào thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhớ về một người Việt Nam gốc Hà Nội có biệt tài về kiến trúc, liêm khiết, được ghi nhận trong nhiều tài liệu, sử sách của Trung Quốc và thế giới, để chúng ta thêm tự hào .
HOÀNG MINH