Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, các thuốc giải độc có vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc, có thể làm đảo ngược tình trạng của bệnh nhân từ một người trong trạng thái ngộ độc nặng nhanh chóng trở về trạng thái hết ngộ độc, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong.
Tuy nhiên, những thuốc đặc hiệu đang rất thiếu, các bác sĩ phải sử dụng tất cả biện pháp có thể để giúp bệnh nhân, nhưng hiệu quả rất hạn chế. Do vậy, vẫn luôn rất cần thuốc giải độc đặc hiệu cho người bệnh. Không chỉ bệnh nhân bị rắn cắn, hay ngộ độc Asen bị thiếu thuốc giải độc đặc hiệu mà các bệnh nhân ngộ độc thuốc paracetamol, bệnh nhân viêm gan nhiễm độc, bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol cũng đang bị thiếu thuốc giải độc để cứu mạng.
“Nếu trước đây bệnh nhân bị ngộ độc cấp nặng nề, bệnh viện có thể mua, chỉ định thầu một gói nhỏ để nhanh chóng có thuốc cho người bệnh, nhưng bây giờ thì không thể. Bệnh viện đành phải chờ đấu thầu, chờ đợi các thủ tục và hệ quả là bệnh nhân bị tổn thương não, khả năng tử vong cao”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ.
Thuốc giải độc là các thuốc đặc biệt, thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh hiếm nên số lượng không quá nhiều như các thuốc thông thường, dù hiệu quả rất tốt. Các doanh nghiệp dược không muốn nhập về vì lợi nhuận thấp. Trước tình hình đó, Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nước khuyến cáo cần phải đưa thuốc giải độc vào danh mục thuốc đặc biệt, thuốc hiếm, và Nhà nước có vai trò điều phối, thậm chí dùng ngân sách mua cho các bệnh viện để đảm bảo dự trữ và kịp thời phục vụ điều trị cho người bệnh nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc.