Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị dừng khẩn cấp việc đổ bùn thải ra biển
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, vùng biển Bình Thuận có tầm quan trọng về mặt đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản. Đây là vùng nước chồi (có năng suất sản lượng thủy sản cao hơn nhiều lần vùng biển khác), đáy biển là cát và đá nhưng là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản bố mẹ quý hiếm như tôm hùm, các loài giáp xác và nhiều loài nhiễm thể sinh sống. Xa hơn là khu bảo tồn biển Hòn Cau, nơi có thảm cỏ biển, rạn đá san hô là nơi sinh sống của quần đàn thủy sinh và chúng được lan tỏa ra toàn bộ vùng biển miền Trung. Dòng hải lưu từ phía Bắc cùng với thủy sản di cư qua đây.
Cùng với Bình Định, vùng biển Bình Thuận đang là nơi cung cấp tôm hùm giống tự nhiên cho các tỉnh có nghề nuôi tôm hùm như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận và Ninh Thuận. Mỗi năm, doanh thu lên tới hàng ngàn tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.
Ngoài ra Bình Thuận cũng là một trong những tỉnh có vùng nước chất lượng tốt, với khoảng 1/3 trại giống tôm nước lợ, sản xuất tôm cho cả nước để thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD từ tôm vào năm 2025. Đó là lý do cần phải bảo vệ vùng ven biển Bình Thuận bao gồm cả khu vực Hòn Cau.
Thứ hai, trong giấy phép Bộ TN-MT yêu cầu chủ đầu tư nhận bùn nạo vét cửa sông xuống biển và cho rằng lượng bùn nhận xuống biển hàng triệu mét khối sẽ không ảnh hưởng đến khu bảo tồn Hòn Cau.
Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng khi đổ “hỗn hợp” xuống biển thì cát sỏi sẽ lắng xuống đáy ngay nhưng phần bùn lỏng sẽ không thể lắng đọng xuống đáy trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Sau đó sóng, gió, bão, thủy triều sẽ đưa lượng bùn lỏng đi bồi đắp làm chết sinh vật đáy, mất nơi trú ngụ của thủy sản bố mẹ, nhanh chóng làm thay đổi môi trường sinh thái của khu bảo tồn biển Hòn Cau. Việc trong báo cáo đánh giá tác động môi trường nói là nhận bùn xuống đáy biển chỉ là cách nói kiểu lách luật. Câu hỏi thứ ba của Hội Nghề cá Việt Nam là tại Bình Thuận dự kiến có tới 5 nhà máy nhiệt điện.
Ngoài Vĩnh Tân 1 xin đổ bùn ra biển, các nhà máy tiếp theo sẽ đổ bùn đi đâu hay sẽ được tiếp tục mang ra vùng biển này đổ? Thứ tư là việc cảnh báo cửa sông khu vực miền Trung nói chung, Bình Thuận nói riêng chủ yếu được kiến tạo từ cát, khi nạo vét xong cát hai bên bờ tiếp tục sạt lở xuống dẫn tới sạt lở.
Thứ năm, Luật Biển quốc tế vẫn cho phép đổ chất thải ra biển nhưng phải có cơ sở đánh giá toàn diện về tác động đối với hệ sinh thái và phải công bố cho thế giới được biết. Thông thường phải mang ra vùng biển chung, cách xa bờ để đổ thải. Nhưng ở đây nơi được cấp phép đổ bùn thải là vùng biển của ven biển Bình Thuận. Đây là bãi cá, là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, là nguồn sống của hàng vạn ngư dân, của các trại giống tôm và ngư dân khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ tầng đáy”.
Trước những vấn đề vô lý trên, Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng thực hiện khẩn cấp giấy phép 1517 của Bộ TN-MT. Đồng thời, thành lập một tổ chức độc lập kiểm tra xem xét do việc nạo vét đổ chất thải ra vùng biển Bình Thuận; xem xét quy trình thẩm định dẫn tới việc cấp phép của Bộ TN-MT.
Trong khi đó, nguồn tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, giấy phép nhận chìm gần 1 triệu m3 tấn bùn thải xuống vùng biển xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) nêu rõ, việc nhận chìm chỉ cho phép tiến hành từng bước với sự quan trắc, giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường biển trong suốt quá trình thực hiện. Giấy phép này cũng quy định việc khởi động chương trình quan trắc, giám sát độc lập tại 13 điểm do Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (đơn vị giám sát độc lập) thực hiện nhằm quan trắc, giám sát nguồn gây tác động, đối tượng có thể bị tác động do hoạt động nhận chìm.
Nội dung quan trắc, giám sát gồm toàn bộ hành trình vận chuyển, khối lượng bùn thải nhận chìm trong quá trình chuyên chở từ khu nạo vét đến khu vực nhận chìm, các thông số về chất lượng nước biển (độ pH, ôxy hòa tan, chất rắn lơ lửng, độ đục), độ lắng trầm tích, thông số hệ sinh thái và thông số chất lượng hệ sinh thái. Việc quan trắc, giám sát chất lượng nước biển tại mỗi điểm thực hiện 3 lần/ngày tại 3 tầng (tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy) trong suốt quá trình nhận chìm.
Khi một trong các thông số chất lượng nước biển tại bất kỳ điểm quan trắc, giám sát nào vượt quy chuẩn, Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 phải dừng ngay hoạt động nhận chìm; chỉ được phép thực hiện khi có giải pháp khắc phục được Bộ TN-MT chấp thuận.
Thời gian nhận chìm từ tháng 6 đến 10-2017. Đây là thời gian gió mùa Tây Nam hoạt động, hướng phát tán vật, chất nhận chìm không hướng về Khu Bảo tồn biển Hòn Cau và các khu vực nuôi trồng hải sản ven bờ. Độ sâu lớn nhất khu vực nhận chìm là -36,1m, trong khi đó, độ sâu của Khu Bảo tồn biển Hòn Cau từ -5m đến -10m.
“Ngụy” khoa học thì phải hủy giấy phép
Ngày 21-7, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang bức xúc về việc ông bị mạo danh trong việc ông có trong danh sách thực hiện dự án khảo sát việc đổ thải xuống biển Bình Thuận.
Nói về tính pháp lý của hồ sơ xin đổ bùn thải, Tiến sĩ Nguyễn Tác An khẳng định: “Do có sự dối trá trong này, nên hồ sơ đấy không thực, giấy phép cấp căn cứ vào hồ sơ đấy, phải hủy giấy phép. Đề nghị, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân phải trả lời dư luận vấn đề này như thế nào. Ngoài ra, tôi thấy nghi ngờ vì sao cứ lăm le đổ ra biển? Có thể, đổ nơi khác được không? Sao cứ phải cứ nhè đổ ở Hòn Cau? Tôi thấy uẩn khúc và lạ ở chỗ này. Nhà máy điện không làm chỗ này thì làm chỗ khác, không làm cách này thì làm cách kia nhưng môi trường sinh thái ở Bình Thuận chỉ có một thôi. Phải chọn lựa, cái gì làm cách khác được thì làm”.