Theo lời kể của bệnh nhân, bà mắc bệnh đái tháo đường kèm tăng huyết áp và nhồi máu não 10 năm nay và được điều trị tại địa phương. Trong quá trình khám bệnh định kỳ, bà V. được các bác sĩ phát hiện chức năng thận bị suy giảm nên tạm ngưng dùng thuốc hạ đường huyết và chỉ định chích insulin theo toa.
Bà V. được người nhà mua bơm tiêm 10 ml (loại thông thường) tại nhà thuốc và chích 8 ml insulin trong lọ. Sau khi tiêm, bà V. có cảm giác mệt mỏi và được đưa nhập viện Bệnh viện Nhân Dân 115 trong tình trạng tri giác lơ mơ.
Tại đây các bác sĩ cho biết, bà V. được chẩn đoán hạ đường huyết nặng do dùng quá liều insulin cực lớn. Ngay lập tức, bệnh nhân được tiêm tĩnh mạch dung dịch Glucose 30% và tiếp tục duy trì Glucose 10% vài ngày. Kết quả bệnh nhân hồi phục sức khỏe, không để lại di chứng sau 5 ngày điều trị.
Th.S-BS Võ Tuấn Khoa, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết đây là trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng ở người bệnh đái tháo đường sử dụng insulin. Các yếu tố thúc đẩy bệnh nhân bị hạ đường huyết nặng bao gồm chích quá liều insulin cực lớn (800 đơn vị insulin/lần, trong khi liều thông thường cao nhất 40 đơn vị/lần) và do dùng kiêm tiêm insulin sai.
“Tất cả bệnh nhân đái tháo đường khi được chỉ định dùng insulin thì bác sĩ hay nhân viên y tế nên dành thời gian hướng dẫn cho bệnh nhân hay người nhà cách thức tự chích insulin. Nếu điều kiện cho phép, nên dùng insulin dưới dạng bút chích vì có ưu điểm dễ sử dụng, ít đau, định liều chính xác cho bệnh nhân. Trong trường hợp phải dùng insulin trong lọ, bệnh viện hay phòng khám nên cung cấp luôn kim insulin phù hợp, thay vì bệnh nhân phải mua kim insulin có thể không đúng loại kim”, Th.S-BS Võ Tuấn Khoa khuyến cáo.