Những phiến đá này có cạnh rất sắc nhọn như những lưỡi dao khổng lồ được ghép chồng lên nhau. Mặc dù các phiến đá này được ghép khá cao và không theo quy luật tự nhiên, có nguy cơ bị rơi và sụp đổ xuống, gây nguy hiểm nhưng xung quanh khu vực không có biển cảnh báo cho người dân, du khách.
Theo một số người dân ở xã Kỳ Xuân, lâu nay do thuyền không có chỗ neo đậu đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa mưa bão, nên thời gian gần đây, hàng chục ngư dân địa phương đã bàn bạc đóng góp kinh phí thuê người và máy móc, phương tiện triển khai cải tạo, khoan, chẻ tách các tảng đá lớn tự nhiên ở bãi biển thôn Xuân Thắng.
Sau đó tận dụng lúc thủy triều xuống, họ di chuyển, ghép chồng các phiến đá lên nhau, tạo thành bức tường đá để ngăn cách, che chắn, làm nơi cho tàu thuyền ra vào neo đậu, tránh trú.
Bãi biển thôn Xuân Thắng trải dài, thoải, cát trắng mịn, nước trong xanh, đặc biệt có nhiều bãi đá lớn hoang sơ, tự nhiên nên từ lâu đã thu hút đông đảo du khách thập phương về đây tắm biển vào mùa hè và trong các ngày nghỉ lễ.
Tuy nhiên, việc tự phát cải tạo, khoan, chẻ tách các phiến đá rồi ghép chồng lên cao để làm nơi neo đậu thuyền không chỉ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây nguy hiểm cho du khách, người dân nếu đi vào khu vực này để tắm, chụp ảnh và neo đậu thuyền.
Theo một cán bộ Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, để cải tạo một địa điểm làm nơi neo đậu, tránh trú bão lũ cho tàu thuyền thì bắt buộc phải có trong quy hoạch của Nhà nước và phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu không tuân thủ những quy định này thì đều là những công trình lấn chiếm trái phép và sẽ bị tiến hành tháo dỡ.