Deepfake “tự học” ra sao?
Được xây dựng trên nền tảng Machine Learning (máy tự học) mã nguồn mở của Google, nhờ sử dụng AI, Deepfake sẽ quét các video và ảnh chân dung của một người, hợp nhất với một video riêng biệt khác rồi thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, mũi, miệng… với chuyển động gương mặt sao cho giống và tự nhiên nhất có thể. Với thuật toán này, càng có nhiều video và hình ảnh gốc thì AI càng hoạt động chính xác và video giả mạo có độ chân thực càng cao. Deepfake cũng có thể sử dụng bản ghi âm giọng nói của một người để huấn luyện máy tính nói chuyện giống hệt người ấy.
Công nghệ Deepfake ngày càng cải tiến
Lúc đầu các ứng dụng Deepfake AI được tạo ra nhằm “hoán đổi” khuôn mặt, giọng nói của người dùng vào những nhân vật trong các bộ phim nổi tiếng. Đây được xem là bước tiếp theo của trào lưu chế ảnh, lồng tiếng hài hước cho clip gây sốt thời gian trước đây.
Những công ty cung cấp phần mềm Deepfake đang cho rằng ứng dụng của họ không phải sinh ra với mục đích xấu, nó đơn thuần là ứng dụng phục vụ giải trí. Tuy nhiên, vì công nghệ này được sử dụng vào những mục đích xấu nhiều hơn nên gần đây khi nhắc đến Deepfake là người ta nghĩ đến công cụ xấu.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), số lượng video Deepfake đang tăng với tốc độ 900%/năm. Những tiến bộ công nghệ gần đây đã giúp việc sản xuất chúng trở nên dễ dàng hơn.
Nếu bị mạo danh bằng Deepfake, người dân ngay lập tức báo cho bạn bè, người thân được biết và thông báo cho cơ quan chức năng thông qua: Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam: canhbao.ncsc.gov.vn; dự án chống lừa đảo: chongluadao.vn. Người dân nâng cao nhận thức về lừa đảo trên không gian mạng thông qua website: dauhieuluadao.com
Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia
Cách nhận biết Deepfake
Do năng lực tính toán của các ứng dụng Deepfake chưa thực sự trở nên hoàn hảo nên các video sử dụng Deepfake thường có dung lượng nhỏ, thời gian ngắn, chất lượng âm thanh, hình ảnh không cao.
Hình thể của nhân vật trong Deepfake ít di chuyển, đặc biệt là ít quay ngang, ngửa mặt hoặc cúi mặt so với các video thông thường, càng không có các hành động đưa tay dụi mắt hay che mặt, nháy mắt vì AI thường xử lý lỗi khi khuôn mặt bị che đi 1 phần.
Video Deepfake được tạo ra bằng AI nên sẽ có những điểm yếu tồn tại như ánh sáng phản chiếu từ 2 mắt của nhân vật không đều, đổ bóng ánh sáng không tự nhiên trên khuôn mặt, nhiều khu vực trên khuôn mặt gần như không thay đổi, dẫn tới biểu cảm khuôn mặt rất thiếu tự nhiên, cảm xúc, giọng nói không thật…
Ngay khi thực hiện cuộc gọi video, người dùng có thể yêu cầu người gọi đưa tay lên mặt hoặc quay mặt sang trái, phải… để thêm những phát hiện cử chỉ. Song song đó, để nâng cao cảnh giác, cần trao đổi nhiều với đối tượng gọi để đảm bảo cuộc gọi là thật chứ không phải là đang nói chuyện với một video được ghi hình sẵn. Đặc biệt, cần chú ý đến những thông tin liên quan đến chuyển tiền, gửi thông tin vào các địa chỉ lạ, tài khoản lạ…