Hậu quả nghiêm trọng
Ngày đầu tháng 4, Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) tiếp nhận bệnh nhân V.N.P.N. (42 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) nhập viện với tình trạng dương vật cương cứng, đau buốt. Khai thác bệnh sử, người đàn ông này mới lập gia đình lần 2, nhưng gặp tình trạng “trên bảo dưới không nghe” khoảng 5 tháng. Được bạn bè tư vấn, người bệnh tự mua thuốc đông y về ngâm rượu để bồi bổ sức khỏe sinh lý.
Tuy nhiên, sau khi uống 3 lần rượu ngâm vẫn không có hiệu quả, bệnh nhân tiếp tục dùng với liều lượng tăng lên và nhập viện với tình trạng dương vật cương cứng, đau nhức. Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân, cho biết, ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu khẩn bằng phương pháp chọc hút thể hang, tạo thông mạch máu để giải áp máu trong xoang hang, nhưng tiên lượng xơ hóa thể hang và tình trạng rối loạn cương cứng của bệnh nhân sẽ diễn tiến nặng hơn.
Khoa Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cũng vừa tiếp nhận nam bệnh nhân N.V.Đ. (ngụ Đắk Lắk), với các triệu chứng da nổi vảy sần sùi, sạm và vàng da sau thời gian dài uống nhiều loại thuốc đông y để tăng cường sinh lực và chữa bệnh viêm gan. Ông Đ. là một trong hàng trăm bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám thời gian gần đây được chẩn đoán bị ngộ độc thuốc đông y. Điểm chung của bệnh nhân là có bệnh lý suy gan cấp, gan to, ứ mật gây vàng da, vàng mắt, da nổi sần sùi, sạm da; có người bị tiêu chảy kéo dài gây viêm ruột mạn tính, mất đạm qua ruột. Có ca nặng hơn, tổn thương nhiều cơ quan khác nhau cùng lúc, như suy tim cấp, suy thận cấp, viêm gan cấp tính...
Thống kê của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, từ đầu năm đến nay, các đơn vị này đã điều trị cấp cứu hàng chục trường hợp ngộ độc thuốc đông y. Trong đó có nhiều trường hợp nhiễm toan axít lactic (sự tích tụ axít lactic thừa trong máu) do sử dụng thuốc đông y điều trị bệnh đái tháo đường, bệnh xương khớp… không rõ nguồn gốc, có chứa chất cấm phenformin (bị cấm sử dụng trên toàn thế giới và Việt Nam).
Không tự ý sử dụng tùy tiện
Theo Th.S-DS Phạm Ngọc Thạc, Khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM, có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan khiến người bệnh bị ngộ độc thuốc đông y, dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng. Trong đó có 2 nguyên nhân chính, một là người bệnh tự tham khảo các sách báo, thông tin trên mạng xã hội để tự chẩn đoán và chọn các bài thuốc mà mình cho rằng là hiệu quả.
Do không có kiến thức về lĩnh vực y học cổ truyền, chưa được qua đào tạo trường lớp, việc tự chẩn đoán bệnh sai, dẫn đến cách điều trị không hiệu quả, bệnh tiến triển trầm trọng hơn so với lúc khởi phát bệnh. Hai là người bệnh được truyền miệng, quảng cáo về một “lương y” hoặc bài thuốc truyền miệng không rõ nguồn gốc, được đảm bảo khỏi bệnh 100%. Khi sử dụng các loại này dễ dẫn đến tình trạng có hại cho cơ thể như chóng mặt, nhức đầu, ăn không tiêu, nếu dùng lâu có thể dẫn đến suy gan, thận, suy giảm hệ miễn dịch, thậm chí bị ngộ độc với các triệu chứng ói, nôn mửa, đau thắt bụng.
Ngoài ra, có trường hợp bài thuốc hay sản phẩm đông y có trộn lẫn corticoid (thuốc kháng viêm), khi dùng tạo ra những hiệu quả tức thời cho người bệnh, nhưng dùng lâu dài và quá liều sẽ gây hại đến sức khỏe như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, gây xốp xương, phù nề, tăng huyết áp, suy gan. Do đó, người dân khi muốn điều trị bằng thuốc y học cổ truyền nên đến bệnh viện chuyên khoa hoặc cơ sở y tế, phòng khám đông y đã được cấp phép để được khám chữa bệnh, xét nghiệm bằng các phương pháp điều trị thích hợp.
Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), lưu ý, riêng nam giới có các vấn đề liên quan tới sức khỏe sinh lý, tuyệt đối không tự ý sử dụng các bài thuốc điều trị “truyền miệng”, dễ dẫn đến ngộ độc thuốc. Tốt nhất, hãy đến các cơ sở điều trị chuyên ngành nam học có uy tín để được tư vấn, điều trị. Người bệnh sẽ được các chuyên gia về nam học thăm khám lâm sàng, đánh giá nội tiết sinh sản, xét nghiệm và đưa ra các hướng điều trị từ không dùng thuốc (thay đổi thói quen, tập thể dục, dinh dưỡng…) đến có dùng thuốc. |
Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Dược Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM Nguyễn Phương Nam khuyến cáo, người bệnh cần tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tùy tiện sử dụng đông dược khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng. Khi sử dụng, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc biết nhằm xử trí kịp thời.
Về phía thầy thuốc cũng phải thăm khám cụ thể, nắm được tiền sử dị ứng của người bệnh, áp dụng triệt để các xét nghiệm hiện đại cần thiết để biết được tình trạng của các cơ quan quan trọng và tiên lượng được kết quả khi dùng thuốc. Hết sức thận trọng trong việc kê đơn những vị thuốc có độc, hướng dẫn bệnh nhân chu đáo cách thức dùng thuốc, không phối hợp thuốc tân dược và đông dược một cách cẩu thả, kiểm tra chất lượng thuốc trước khi kê đơn cho bệnh nhân.