Nguy hại lớn vì thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy

Theo Bộ Công thương, ngành công nghiệp nhựa có mức tăng trưởng trung bình từ 16%-18%/năm. Cùng với đó là sự phát sinh lượng lớn chất thải nhựa (chỉ tính riêng lượng chất thải nhựa và túi ni lông phát sinh năm 2022 là 2,9 triệu tấn), trở thành gánh nặng cho môi trường.
Một người dân tại TPHCM sử dụng túi ni lông đựng đồ khi mua hàng
Một người dân tại TPHCM sử dụng túi ni lông đựng đồ khi mua hàng

Chỉ 17% túi ni lông được tái sử dụng

Cứ mỗi sáng, bà Nguyễn Thị Bé (ngụ hẻm số 5, đường số 3, khu phố 4, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TPHCM) lại ra chợ Đo Đạc gần nhà để mua đồ dùng, thức ăn cho gia đình. Mỗi lần đi chợ về là trên tay bà lỉnh kỉnh hàng chục món, tất cả được bỏ vào các bao ni lông khó phân hủy. Sau khi cất hết thực phẩm vào tủ lạnh, bà Bé mang một bịch to chứa các bao ni lông, rác thực phẩm vứt vào thùng rác trước nhà… Bà Bé chỉ là một ví dụ để hình dung tình trạng sử dụng bao ni lông khó phân hủy rất phổ biến hiện nay. Trong sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất hàng ngày ở mỗi gia đình, khu dân cư, từ đô thị cho đến vùng nông thôn hẻo lánh, bao ni lông trở thành vật dụng gần như không thể thiếu.

Theo các chuyên gia, túi ni lông khó phân hủy sau khi sử dụng nếu không được thu gom, xử lý đúng quy định sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người. Hậu quả nhãn tiền dễ thấy nhất đó là gây mất mỹ quan đô thị, gây tắc nghẽn cống thoát nước, gây úng ngập cục bộ. Thống kê của Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho thấy, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng 30 tỷ túi ni lông các loại; riêng tại các đô thị, lượng túi ni lông được tiêu thụ khoảng 10,48-52,4 tấn/ngày. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 17% được tái sử dụng, còn lại bị thải bỏ.

Mặt khác, khảo sát từ 4.500 người tiêu dùng trên cả nước về việc sau khi sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần của Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp, cho kết quả như sau: có hơn 50% số người bỏ thẳng vào thùng rác; chỉ có 13%-16% người chọn phương án rửa sạch, tái sử dụng. Đại diện Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp lý giải, ở Việt Nam túi ni lông do đặc điểm bền, chắc, tiện dụng, giá thành lại thấp nên được người tiêu dùng lựa chọn. Đây là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý.

Theo Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, tại Việt Nam, những năm gần đây, ngành nhựa tiêu thụ khoảng 5,9 triệu tấn nguyên liệu nhựa nguyên sinh, tương đương mức tiêu thụ bình quân 63kg/người/năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới là 46kg/người/năm.

Sớm có lộ trình dừng sản xuất, nhập khẩu

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, nhìn nhận, hiện nay các chính sách kêu gọi hạn chế sử dụng bao bì khó phân hủy vẫn chưa đi vào thực tế. Để việc tuyên truyền hạn chế sử dụng bao bì khó phân hủy được hiệu quả, cơ quan chức năng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp sản xuất bao bì, cần có lộ trình giảm thiểu việc sản xuất túi nhựa sử dụng hàng ngày hoặc chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm tái chế.

Đối với người dân, cần thay đổi hành vi sử dụng như chuyển đổi thói quen khi đi chợ có thể sử dụng túi đựng nhiều lần, sử dụng túi dễ phân hủy. Về phía chính quyền, cần tăng cường kiểm tra các hoạt động tái chế, kiểm soát việc sử dụng túi ni lông tại các trung tâm thương mại, siêu thị, đặc biệt là chợ truyền thống; kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm túi ni lông khó phân hủy.

Còn đại diện Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy các hoạt động tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải; khai thác tốt hơn các cơ hội tài trợ của các tổ chức, các quỹ quốc tế trong thúc đẩy phân phối sản phẩm thân thiện môi trường. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, ban ngành trong quá trình thực thi chính sách, tránh sự quản lý chồng chéo, không hiệu quả.

Ông Phạm Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công thương đề xuất, Chính phủ cần xây dựng lộ trình dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa dùng một lần, chậm nhất là vào cuối năm 2030; tăng cường hơn nữa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các bao bì, sản phẩm khó phân hủy. UBND cấp tỉnh và thành phố cần hướng dẫn, triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa, bảo đảm sau năm 2030 không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch…

Theo Sở TN-MT TPHCM, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và quận huyện, các cơ quan và đơn vị có chức năng liên quan thực hiện các nhiệm vụ tăng cường quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; đã tiếp xúc, trao đổi thông tin và nghe tham vấn của một số tổ chức, cá nhân có quan tâm đến hoạt động thu gom, tái chế chất thải.

Dự kiến giai đoạn 2023-2025, thành phố sẽ nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong việc giảm thiểu chất thải nhựa, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa để áp dụng hoặc tham mưu các bộ, ngành xem xét, ban hành văn bản quy định.

Ngoài ra, thành phố cũng đã ban hành và triển khai một số chương trình trọng điểm như: phong trào chống rác thải nhựa; kế hoạch tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn TPHCM giai đoạn năm 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tin cùng chuyên mục