Hễ đau là uống thuốc
Đó là tình trạng của chị N.T.T.O. (41 tuổi, ngụ tại TPHCM). Chị cho biết bản thân thường xuyên bị đau đầu, cơn đau trầm trọng hơn mỗi khi chị căng thẳng hay thiếu ngủ. Vì áp lực công việc, chị O. không có thời gian đến bệnh viện đợi chờ thăm khám. Do đó, chị O. luôn mua thuốc giảm đau Paracetamol “thủ” sẵn, mỗi khi đau đầu lại uống 1 viên.
“Mùa dịch Covid-19, ngoài việc lo lắng tìm khắp nơi mua khẩu trang và cồn sát khuẩn thì tôi còn chạy đôn chạy đáo tìm đặt thuốc Paracetamol. Sợ hết hàng, tôi mua luôn cả thùng, để trong nhà mới an tâm. Giờ túi xách đi làm của tôi thiếu son phấn thì được chứ thiếu Paracetamol là tôi không chịu được”, chị O. kể.
Cũng thuộc trường hợp không thể thiếu thuốc giảm đau, chị T.A. (45 tuổi, ngụ tại TPHCM) chia sẻ: “Tôi bị chứng đau nửa đầu, hay còn gọi là đau đầu migraine, đã đi khám vào 2 năm trước. Bác sĩ kê toa cho thuốc uống thì tôi thấy bệnh tình thuyên giảm, tuy nhiên sau khi ngưng thuốc thì đau đầu trở lại. Do bản thân sợ phải đi bệnh viện nên tôi dùng thuốc giảm đau liên tục mỗi ngày. Cứ hết thuốc là tôi lại ra nhà thuốc tư nhân mua về dùng. Dễ mua mà, cứ ra nói tên thuốc là họ bán thôi, không cần bác sĩ kê đơn đâu”. Khi được hỏi bản thân có thấy bị phụ thuộc vào thuốc giảm đau hay không, chị T.A. cho hay: “Tôi nghĩ nếu thiếu thuốc giảm đau thì tôi sẽ rất khó chịu, cơn đau đầu sẽ hành hạ tôi. Nếu không có thuốc giảm đau trong người thì tôi sẽ không an tâm”.
Không chỉ 2 trường hợp trên, hiện nay khá nhiều người gặp phải tình trạng nghiện thuốc giảm đau. Theo các chuyên gia y tế, khi gặp phải trường hợp đau cấp tính nhẹ (đau đầu, đau lưng, đau răng…), người bệnh chỉ nên tự ý mua thuốc giảm đau để điều trị trong vòng vài ngày. Nếu sau vài ngày vẫn không khỏi thì người bệnh nên đi khám để bác sĩ có thể cân nhắc lựa chọn thuốc giảm đau mạnh hơn, hoặc phối hợp thêm thuốc giảm đau khác. Có thể nói, thuốc giảm đau chỉ có tác dụng khi cơ thể bị đau; nếu hết đau thì nên dừng dùng thuốc, tránh trường hợp dù hết đau nhưng bản thân vẫn có thói quen sử dụng thuốc mỗi ngày.
Dễ gây nghiện
Tiến sĩ - dược sĩ Võ Thị Hà (Giảng viên Dược lâm sàng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hiện là Phó Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) thông tin, thuốc giảm đau được chia thành các nhóm gồm: thuốc giảm đau không cần bác sĩ kê đơn mà có thể tự mua, có tác dụng giảm đau nhẹ, gồm Paracetamol hoặc thuốc giảm đau có tác dụng kháng viêm không steroid; thuốc giảm đau có nguồn gốc từ thuốc phiện, có hiệu lực với các cơn đau sâu rộng như đau nội tạng, đau do ung thư; thuốc giảm đau bổ trợ khác, như thuốc giảm đau thần kinh, thuốc chống co thắt.
Tiến sĩ - dược sĩ Võ Thị Hà nhận định, cơn đau có thể khiến người bệnh có cảm giác khó chịu, thuốc giảm đau giúp người bệnh giảm hay mất cảm giác đau nhưng tiềm ẩn tác dụng phụ. Nguy cơ chịu tác dụng phụ của thuốc giảm đau phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có cơ địa của từng người bệnh, phụ thuộc các bệnh mắc kèm của người bệnh, các thuốc dùng kèm, liều thuốc và thời gian dùng thuốc. Điển hình, thuốc giảm đau thông dụng là Paracetamol thường rất an toàn nếu dùng đúng liều và chỉ dùng khi đau; nhưng nếu dùng quá liều, đặc biệt là trên người bệnh bị bệnh gan, nghiện rượu… thì sẽ gây tổn thương gan, thậm chí dẫn đến nguy cơ tử vong.
Cũng theo Tiến sĩ - dược sĩ Võ Thị Hà, nếu sử dụng thuốc giảm đau với liều lượng quá mức, không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ có thể khiến người bệnh phụ thuộc và nghiện thuốc giảm đau. Trong đó, việc dùng liều quá cao hoặc kéo dài nhóm thuốc giảm đau không kê đơn là tình trạng thường gặp. “Chúng ta có thể cai nghiện thuốc giảm đau bằng các biện pháp giảm đau không dùng thuốc, như thiền, thư giãn, nghe nhạc. Bên cạnh đó, người bệnh nên ăn uống lành mạnh, vận động và tập thể dục đầy đủ. Một lối sống lành mạnh sẽ làm giảm nguy cơ phụ thuộc thuốc và nâng cao chất lượng cuộc sống”, Tiến sĩ - dược sĩ Võ Thị Hà thông tin.
Thận trọng khi sử dụng viên hoàn đông y không rõ nguồn gốc
|