- PHÓNG VIÊN: Gần đây, một số chuyên gia chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến điện ảnh Việt chưa có được bước tiến bởi đang có sự đầu tư lệch. Thay vì cân bằng giữa đầu tư sản xuất phim (đầu vào) và các rạp chiếu (đầu ra) thì bấy lâu nay, việc đầu tư chỉ tập trung cho đầu vào?
Ông Nguyễn Danh Dương
- Ông NGUYỄN DANH DƯƠNG: Từ xưa tới nay, chúng ta cứ quan niệm rằng, đối với điện ảnh là phải chú ý đến phần sản xuất phim, không chú ý đến đầu ra, đến xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đây là một suy nghĩ sai lầm, chính lý do đó đã khiến cho điện ảnh Việt Nam hiện nay gặp không ít khó khăn.
Kinh nghiệm từ nhiều nền điện ảnh lớn trên thế giới cho thấy, đối với nền công nghiệp điện ảnh, số lượng rạp quyết định sự phát triển, muốn sản xuất được phải có đầu ra. Bản thân rạp sẽ quyết định tỷ lệ chúng ta chia sẻ với nhau để tái đầu tư sản xuất.
- Đó có phải là một trong những nút thắt cần giải quyết khi xây dựng nền công nghiệp điện ảnh?
- Kể từ năm 2008, khi thế giới thay đổi hệ thống công nghệ từ phim nhựa chuyển sang video, các rạp nhà nước gần như không tồn tại. Trong khi đó, đến thời điểm này, các doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm tới trên 60% số lượng rạp.
Đối với nền công nghiệp điện ảnh, số lượng rạp quyết định sự phát triển, muốn sản xuất được thì phải có đầu ra. Một số nhà phát hành phim ở nước ngoài nói với tôi: Việt Nam là mỏ vàng trong các khoản đầu tư. Và từ nay cho đến năm 2020, họ sẽ đầu tư nhiều.
Với tốc độ đầu tư như hiện nay, có lẽ chỉ trong vòng 5 năm nữa thôi, 85% số lượng phòng chiếu sẽ do nước ngoài quản lý. Khi đó thì toàn bộ nền công nghiệp phim truyện của nước ta sẽ không có nhiều cơ hội phát triển, kể cả phim có ra được rạp cũng chỉ thu được tỷ lệ rất thấp và phải làm theo ý họ thì mới được chiếu ở rạp của họ.
- Một thực trạng hiện nay là các trung tâm chiếu phim và rạp đều chịu sự ảnh hưởng lớn từ các nhà phát hành phim, ông đánh giá sao về việc này?
- Điều này hoàn toàn đúng, bản thân Trung tâm Chiếu phim quốc gia trong quá trình hoạt động của mình cũng hoàn toàn lệ thuộc vào các nhà phát hành phim. Chúng tôi không có điều kiện để mặc cả về tỷ lệ. Bởi vì trong cuộc sống, nếu mình không làm chủ được, không chấp nhận tỷ lệ của họ thì sẽ không có phim. Cho nên đành phải thuận theo họ mà không thể có bất cứ ý kiến gì!
Khách xếp hàng mua vé tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia
- Từ thực trạng này, ông có thể phân tích kỹ hơn về những hệ lụy mà điện ảnh sẽ phải đối mặt trong thời gian tới?
- Nếu Nhà nước không có những chính sách kịp thời thì trong 5 năm nữa chúng ta sẽ mất đi toàn bộ thị phần về điện ảnh. Nhưng thị phần điện ảnh không quan trọng bằng sự mất mát về văn hóa. Điện ảnh là một trong những lĩnh vực hàng đầu trong tuyên truyền văn hóa. Điều tôi lo lắng nhất đó chính là sự “xâm lăng” văn hóa trong lĩnh vực điện ảnh.
- Điều gì khiến ông phải lên tiếng cảnh báo như vậy?
- Tôi có tham gia hội đồng duyệt phim, gần đây nhất tôi xem 2 phim đều được gọi là phim của Việt Nam, nhưng rõ ràng không phải là phim Việt Nam. Đây là phim hợp tác mà người ta hay dùng từ remake (làm lại từ kịch bản nước ngoài).
Vì thế, từ màu sắc đến suy nghĩ, hành động, góc quay… mọi thứ đều không phải của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là phim không thực sự thu hút nhưng tại sao nhà sản xuất vẫn sẵn sàng bỏ tiền để đầu tư?
Chúng ta thường nói với nhau rằng, phải tìm cách để phim ngoại không lấn át phim nội, như vậy điện ảnh trong nước mới phát triển được. Nhưng thực tế mỗi tuần có 4-6 phim nước ngoài vào rạp và giờ lại có thêm những phim ngoại gắn mác “made in Việt Nam”, như vậy càng nên lo lắng.
- Bên cạnh những rạp do tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, chúng ta cũng từng có một hệ thống rạp chiếu ở các địa phương?
- Việc xuống cấp của các phòng chiếu ở các địa phương và những khó khăn của họ là điều có thể nhận thấy. Chúng ta cũng biết rằng, có những rạp xây từ năm 1960 tới giờ, như ở Vĩnh Phúc, Thái Nguyên.
Các tỉnh đều mong muốn sáp nhập rạp vào một trung tâm văn hóa, với chỉ một phòng chiếu. Điều này rất đáng báo động. Bởi nếu điện ảnh mà chỉ có một phòng chiếu thì mức độ tồn tại chỉ mang tính hình thức. Tối thiểu phải có từ 3-5 phòng chiếu trở lên. Ngày xưa bao giờ cũng dành cho điện ảnh vị trí đẹp nhất, trung tâm nhất, còn bây giờ, khi công nghệ chuyển đổi, các tỉnh không đầu tư thì sao có thể phát triển được?
- Trong xu thế chung của sự phát triển điện ảnh thế giới, nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam cần làm gì để xây dựng vị thế?
- Tôi tin là điện ảnh sẽ hái ra tiền. Bởi vì hiện nay phim ảnh là thường nhật. Chỉ còn cách mở rộng các cơ sở chiếu phim, tăng cường sản xuất phim. Nhưng bao năm nay, không có ưu đãi nào về thuế cho điện ảnh, cho mảng văn hóa nghệ thuật mà cứ tính đúng, tính đủ. Về phía các doanh nghiệp, cũng nên tự chuyển mình, tự cải tạo và sáng tạo những bước phát triển mới. Từ đó sẽ thu hút được sự đầu tư cũng như sự quan tâm của công chúng yêu phim truyện.