Nguyên nhân các dự án doanh thu giảm là do lưu lượng phương tiện thực tế thấp hơn so với dự kiến ban đầu, vì phải phân chia lưu lượng phương tiện sang tuyến đường song hành, hoặc giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ, miễn hoặc giảm giá cho các phương tiện ở khu vực lân cận trạm thu phí.
Hầu hết dự án BOT mà Bộ Giao thông Vận tải ký kết với nhà đầu tư trong những năm qua được thực hiện trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trong đó, có thỏa thuận mức phí 3 năm được điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng khoảng 18%, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, hiện 32% dự án BOT đang khai thác có doanh thu không đạt như kế hoạch đề ra. Với tổng dư nợ cho vay khoảng 43.000 tỷ đồng, tình trạng này có thể dẫn đến rủi ro phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng.
Theo nhận định của các chuyên gia, tình hình trên là hệ quả tất yếu khi nhiều chủ đầu tư BOT chỉ lo đấu thầu để có được dự án, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 10% - 15%, còn lại đi vay ngân hàng. Trong khi vốn của ngân hàng là vốn ngắn hạn đem cho dự án BOT vay lên đến 20 năm là tiềm ẩn nhiều rủi ro!
Theo đại diện Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, tình trạng này đã xảy từ nhiều năm và đang làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhiều chủ đầu tư. Phương án tài chính đúng ra đã bị vỡ từ lâu nếu các chủ đầu tư không chủ động giải pháp xử lý, ứng phó kịp thời. Nhằm đảm bảo nguồn tài chính, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho rằng phải chủ động tiết giảm chi phí đầu tư, giảm cả quy mô đầu tư một số hạng mục không quan trọng như: đường công vụ, dầm thép chuyển sang dầm bê tông, giảm thiểu các trang bị vận hành…
Từ đó, chủ đầu tư có thể tiếp tục bù đắp một phần vốn chủ sở hữu để duy trì hoạt động cơ bản của dự án. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá vé phù hợp để tạo ra doanh thu, không thu phí một thời gian ngắn để có bài toán so sánh kích cầu... cũng được áp dụng linh hoạt. Qua đó, chủ đầu tư sẽ đưa ra giá vé điều chỉnh phù hợp, soát xét lại các thông số đầu vào để điều chỉnh phương án tài chính.
Dù vậy, theo đánh giá chung của nhiều chủ đầu tư BOT và chuyên gia, các dự án vẫn còn khó khăn khi hỗ trợ của Chính phủ, chia sẻ của ngân hàng và thấu hiểu của người dân chưa đồng nhất. Khi các chính sách bất cập về trạm thu phí chưa được xử lý, đặc biệt là nguồn vốn được hỗ trợ thường chậm, hoặc cơ chế xử lý không đảm bảo, sẽ tiếp tục gây áp lực cho các dự án BOT, nhất là những dự án đang bị giảm doanh thu hiện nay.