Theo đó, mặc dù khu vực thương mại tự do kỹ thuật số hứa hẹn đem lại tăng trưởng cho cả doanh nghiệp Malaysia và Trung Quốc, nhưng Malaysia cần đảm bảo sự độc lập về kỹ thuật số của mình.
Giống như nhiều nền kinh tế châu Á khác, Malaysia đã trải qua thời kỳ tăng trưởng chưa từng thấy nhờ tham gia lĩnh vực khởi nghiệp và thương mại điện tử, với một số dự báo cho thấy giá trị của ngành công nghiệp thương mại điện tử Malaysia đạt hơn 8 tỷ USD vào năm 2025. Cứ 5 người thì có 3 người tiêu dùng thương mại điện tử đặt hàng qua điện thoại thông minh. Những yếu tố này đã khích lệ sự ra đời của sáng kiến Khu vực thương mại tự do kỹ thuật số (DFTZ) Trung Quốc - Malaysia vào năm 2017.
DFTZ ở Malaysia được cho là giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng, phát triển bằng cách sắp xếp hợp lý hóa các chức năng thương mại điện tử cụ thể. Việc loại bỏ các rào cản quan trọng đối với tăng trưởng như thuế suất cao, thủ tục hải quan và kiểm tra hàng hóa nước ngoài sẽ giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, DFTZ của Malaysia được hưởng lợi từ các bên ủng hộ mạnh mẽ như Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC), Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc và Trung tâm Thương mại điện tử thế giới (EWTP). Tất cả đều nhằm hiện thực hóa khái niệm của DFTZ là giúp thúc đẩy thương mại điện tử quốc tế giữa Trung Quốc và Malaysia.
Việc Trung Quốc sử dụng ngoại giao “bẫy nợ” làm tăng quan ngại về DFTZ và dấy lên nỗi ám ảnh về việc các quốc gia để mất quyền sở hữu cơ sở hạ tầng quan trọng vào tay Trung Quốc. Khái niệm này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với an ninh quốc gia và lĩnh vực kinh tế, với việc các nhà đầu tư ở Malaysia trong dài hạn có khả năng bị mất khoản đầu tư, cơ sở hạ tầng và thậm chí là bị mất quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, Chính phủ Malaysia phải hết sức thận trọng trong việc thúc đẩy DFTZ, đặc biệt từ góc độ quốc phòng.
Ngoài ra, xét từ góc độ an ninh, sự tham gia mạnh mẽ của Alibaba vào DFTZ của Malaysia là một điểm đáng chú ý khác. Alibaba đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự tăng trưởng của DFTZ ở cả hai phía của đường biên giới kỹ thuật số Malaysia/Trung Quốc. Tuy nhiên, việc chỉ phụ thuộc vào công nghệ của Alibaba (với nền tảng thương mại điện tử Lazada và công cụ thanh toán kỹ thuật số Alipay) có thể khiến Malaysia gặp nhiều khó khăn trong tương lai.
Sự thiếu đa dạng trong các công cụ sản xuất, phần cứng và phần mềm buộc các doanh nghiệp Malaysia phụ thuộc vào Alibaba, mang lại lợi thế không công bằng cho các doanh nghiệp chọn tham gia vào môi trường của Alibaba so với các công ty quyết định sử dụng các công nghệ khác. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nếu Alibaba hoặc các công ty Trung Quốc khác tiếp tục cung cấp một lượng đáng kể các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho cả doanh nghiệp dân sự và Chính phủ Malaysia.
Vì những lý do đó, dù Malaysia dự kiến tiếp tục được hưởng nhiều lợi ích trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhưng các tổ chức của Malaysia cần thận trọng khi lĩnh vực này phát triển trong tương lai.