Theo nhận định, dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2022, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động lưu thông và logistic, ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cá tra.
Theo báo cáo, diện tích nuôi thả cá tra trong các tháng 7 - 8 - 9 vừa qua giảm khoảng 30 - 55% sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái, nên trong các tháng 1, 2 và 3 của năm 2022, có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cá tra cho chế biến xuất khẩu.
Trong khi đó, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, năm 2022, ngành cá tra đặt kế hoạch có 5.200ha diện tích thả nuôi, sản lượng cá tra thương phẩm đạt hơn 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.
Thời điểm hiện tại, cả nước chỉ có 80/96 cơ sở sản xuất giống cá tra và 2.289 cơ sở ươm dưỡng giống cá tra với sản lượng ước đạt khoảng 25 tỷ con cá tra bột và 3,1 tỷ con cá tra giống, chỉ bằng 62% so với cùng kỳ năm 2020.
Do số lượng cá giống năm 2021 đã giảm mạnh so với năm 2020, các chuyên gia cảnh báo, nếu không đẩy mạnh sản xuất giống sẽ thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu trong quý 1-2022.
Ông Trần Đình Luân đề nghị cần theo dõi sát diễn biến thị trường để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu, sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ.
“Quá trình nuôi, chúng ta cần phải có thời gian. Do đó, việc cần giải quyết trước mắt là các địa phương rà soát, cân đối lại số lượng nuôi trong các tháng tiếp theo, như có khả năng cung cấp bao nhiêu nguyên liệu để có giải pháp về mặt kỹ thuật, đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu”, ông Trần Đình Luân đề nghị.
Để khuyến khích người nuôi cá tra, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, cần ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho người nuôi cá, đồng thời tính toán chia lại lợi nhuận giữa các mắt xích: từ người nuôi cá đến các nhà máy chế biến, đảm bảo các bên đều có lợi trong quá trình sản xuất.