Không dám sinh con thứ hai
Dù mới chỉ có một cô con gái 4 tuổi nhưng chị Đinh Thị Hằng (huyện Bình Chánh) quyết định không sinh thêm đứa thứ hai bởi áp lực kinh tế. Hai vợ chồng chỉ làm công ăn lương, lại vừa quyết định mua trả góp một căn hộ chung cư trong 15 năm, do vậy nếu sinh thêm con, chị Hằng sợ “nuôi không nổi”.
“Giờ mới chỉ có một đứa mà tháng nào cũng phải lo xoay xở muốn hụt hơi để đóng tiền học cho con, trả lãi ngân hàng, tiền ăn uống của cả nhà, thêm một đứa nữa thì làm sao đủ sống”, chị Hằng nói.
Còn với chị Trần Thị Gia Ngọc (quận Tân Phú) thì áp lực không chỉ là đủ sống, mà là phải sống sao cho đàng hoàng, tử tế nhất. Bao nhiêu tiền bạc làm ra, chị dành để đầu tư hết cho con gái học trường quốc tế, học thêm ngoại ngữ, năng khiếu, với mong muốn tương lai của con mình sẽ sáng lạn hơn. Do đó, việc sinh thêm đứa con thứ hai là điều mà chị Ngọc chưa từng nghĩ tới.
Theo ông Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, mức sinh thay thế của TP từ năm 2010 đến nay liên tục sụt giảm. Giảm mạnh nhất là năm 2015, khi mức sinh chỉ đạt 1,35 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Trước tình hình đó, UBND TPHCM đã cho phép thay đổi thông điệp từ “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh từ 1 - 2 con” sang “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Nhờ đó, mức sinh đã được nâng lên thành 1,46 con/phụ nữ. Tuy nhiên, mức sinh này vẫn thấp dưới mức sinh thay thế là 2,1con/phụ nữ.
Phân tích về nguyên nhân, ông Trị cho rằng khi kinh tế - xã hội phát triển, đời sống cao lên thì mức sinh thường bị tụt lại. Không chỉ riêng TPHCM mà tại tất cả các đô thị, mức sinh đang có xu hướng ngày càng giảm. Áp lực cuộc sống, áp lực kinh tế cùng với nhịp sống vội vã, bận rộn, khiến nhiều gia đình không dám sinh con thứ hai. Bên cạnh đó, độ tuổi kết hôn muộn cùng với vấn đề vô sinh ngày càng xuất hiện nhiều đã khiến mức sinh của TPHCM càng xuống thấp.
Có nên khuyến sinh?
Lo ngại trước tỷ lệ sinh con quá thấp của TPHCM, tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP khóa IX, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cho biết nếu kéo dài tỷ suất sinh chỉ 1,46 con/phụ nữ trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Dẫn chứng về bài học của Nhật Bản, Hàn Quốc - khi nhiều năm liên tục phụ nữ ở các quốc gia này không sinh đủ 2 con, dẫn đến khủng hoảng thiếu lao động, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết thế giới xem việc duy trì hiệu suất sinh thay thế bình quân mỗi phụ nữ đẻ 2 con là cần thiết cho đất nước phát triển bền vững; do đó, mục tiêu của TPHCM là phải làm sao kéo tỷ suất sinh lên dần trở lại là 2 con.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho rằng TPHCM cần tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con. Tuy nhiên, chính sách khuyến sinh trong thời điểm này là chưa cần thiết.
“Nếu TPHCM khuyến sinh thì sẽ hút một lượng lớn người di cư từ nơi khác đến, gây nên áp lực xã hội lớn. Hiện chính sách dân số của Việt Nam là mỗi gia đình chỉ sinh từ 2 con, do đó, TPHCM không nên có chính sách khuyến sinh riêng”, ông Nhạc nhấn mạnh.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc, TP cần chú trọng đầu tư vào việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân, tăng cường cung ứng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, giáo dục sức khỏe sinh sản an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, vì hiện nay, tỷ lệ vô sinh ở TP đang cao nhất nước. Ngoài ra, TPHCM cũng nên đầu tư hỗ trợ cho những người vô sinh hiếm muộn, đây là chính sách vừa giúp gia tăng mức sinh vừa mang ý nghĩa nhân văn trong xã hội.
Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc cảnh báo, với mức sinh thay thế thấp như hiện nay, TPHCM sẽ phải đối mặt với nguy cơ không có nguồn nhân lực, thiếu hụt lao động trong tương lai. Dù hiện nay, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng chỉ khoảng 10 - 20 năm nữa thôi, dân số sẽ bị già hóa và đến năm 2050 sẽ bước vào giai đoạn dân số già. Như vậy, trong tương lai, dự báo sẽ thiếu hụt số lượng lớn lao động cơ hữu, điều này khiến cho tình trạng một lao động phải tạo ra của cải vật chất nuôi sống 2 người, thậm chí tới 6 người phụ thuộc, là có thể xảy ra. Ngoài ra, mức sinh thấp cũng dễ tác động đến giới tính khi sinh do tâm lý của người Việt Nam nói chung vẫn còn thích có con trai. Chênh lệch giới tính, thừa nam thiếu nữ sẽ khiến đời sống xã hội bị đảo lộn.