Tham dự có các đại biểu: PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk; nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Hội nghị còn có đông đảo học viên của khu vực phía Nam và một số tỉnh phía Bắc, là những người đang làm việc trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tham dự.
Sau khai mạc, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ đã trực tiếp đứng lớp và trình bày chuyên đề Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới”.
Trong phần chia sẻ của mình, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện con người Việt Nam”.
Quang cảnh hội nghị “Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong tình hình mới” |
Theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, bên cạnh những thành tựu, thời cơ và thuận lợi, văn học, nghệ thuật Việt Nam cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, đáng chú ý là nguy cơ thiếu hụt đội ngũ kế cận; nguy cơ đứt gãy dòng mạch truyền thống và xa rời cốt cách, bản sắc dân tộc trong sáng tác, lý luận, phê bình, biểu diễn và thụ hưởng giá trị văn học, nghệ thuật ngày càng gia tăng.
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, trình bày tại hội nghị |
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã đưa ra một số phương hướng nhằm tiếp tục phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, như: Tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ đường lối, nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam; Tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế đầy đủ, đồng bộ theo hướng tạo nguồn lực, động lực phát triển văn học, nghệ thuật để đội ngũ văn nghệ sĩ phát triển tài năng, nhân cách, bản lĩnh cống hiến cho đất nước; Thiết lập môi trường dân chủ, nhân văn, tôn trọng đặc trưng sáng tạo, thực thi quyền tác giả, bảo đảm tự do trong sáng tạo, phê bình văn học, nghệ thuật; Đẩy mạnh giao lưu, hội nhập quốc tế về văn học nghệ thuật, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn học, nghệ thuật quốc tế.
Buổi chiều cùng ngày, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khái quát về tình hình văn học hiện nay.