Tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm còn… 0,5%
3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Eurozone đã giảm tốc mạnh và thậm chí chỉ cần một tác động vừa phải cũng đủ đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm 2023. Theo WB, nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc mạnh nhất kể từ năm 1970 và niềm tin của người tiêu dùng còn giảm mạnh hơn so với các giai đoạn tiền suy thoái trước đây.
Lạm phát trên toàn thế giới đang tăng với tốc độ mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua do nguồn cung bị hạn chế giữa lúc nhu cầu của các nước gia tăng trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trong năm nay, tình hình trở nên trầm trọng hơn vì tác động của cuộc xung đột ở Ukraine cũng như tình hình địa chính trị thế giới, buộc các ngân hàng trung ương chủ chốt phải có phản ứng mạnh mẽ, tăng chi phí cho vay để làm giảm nhu cầu và kiềm chế lạm phát leo thang. Tuy nhiên, các nhà kinh tế của WB cảnh báo, biện pháp này có thể vẫn chưa đủ để hạ nhiệt lạm phát, khiến các ngân hàng trung ương phải tăng thêm lãi suất (nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng kinh tế). Lạm phát lõi toàn cầu có thể ở mức 5% trong năm 2023, trừ khi tình trạng gián đoạn nguồn cung và áp lực trên thị trường lao động suy giảm.
Trong kịch bản này, WB dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống, ở mức 0,5% vào năm 2023, đồng nghĩa với việc kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái kỹ thuật. Tháng 6 vừa qua, WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 2,9%, so với mức dự báo 4,1% đưa ra hồi tháng 1. Trong kịch bản tồi tệ nhất, các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái trong khi các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi ghi nhận tăng trưởng giảm.
Các giải pháp
Tổng Giám đốc WB Malpass bày tỏ lo ngại hậu quả lạm phát kéo dài đẩy người dân ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Người đứng đầu WB đã thúc giục các nhà hoạch định chính sách chuyển trọng tâm từ giảm tiêu dùng sang thúc đẩy sản xuất nhằm tăng nguồn cung để nới lỏng những hạn chế khiến giá cả leo thang.
Trong khi đó, tờ báo Nation (Thái Lan) dẫn lời chuyên gia kinh tế đưa ra một số giải pháp cho tình hình kinh tế thế giới hiện nay. Thứ nhất, các ngân hàng trung ương phải truyền đạt các quyết định chính sách một cách rõ ràng trong khi bảo vệ sự độc lập của mình. Điều này có thể giúp neo kỳ vọng lạm phát và giảm việc thắt chặt cần thiết. Ở các nền kinh tế phát triển, các ngân hàng trung ương cần phải cân nhắc bởi tác động xuyên biên giới của thắt chặt tiền tệ. Còn các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển nên tăng cường các quy định bảo mật vĩ mô và tăng cường dự trữ ngoại hối.
Thứ hai, các cơ quan quản lý chính sách tài khóa cần phải điều chỉnh cẩn thận việc rút bỏ các biện pháp hỗ trợ tài khóa, đồng thời đảm bảo tính nhất quán với các mục tiêu chính sách tiền tệ. Tỷ lệ các quốc gia thắt chặt chính sách tài khóa trong năm tới dự kiến sẽ đạt mức cao nhất kể từ đầu những năm 1990. Điều này có thể làm tăng tác động của chính sách tiền tệ đối với tăng trưởng. Các nhà hoạch định chính sách cũng nên đưa ra các kế hoạch tài khóa trung hạn đáng tin cậy và cung cấp các khoản cứu trợ có mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương.
Thứ ba, các nhà hoạch định chính sách kinh tế phải tham gia vào cuộc chiến chống lạm phát bằng cách thực hiện các bước đi mạnh mẽ để thúc đẩy nguồn cung toàn cầu, bao gồm: giảm bớt các ràng buộc về thị trường lao động, thúc đẩy nguồn cung hàng hóa toàn cầu và tăng cường mạng lưới thương mại toàn cầu.