Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và cán bộ quản lý của các trường đại học trên cả nước cùng tham gia trao đổi và nêu những kiến nghị để giúp các ngành khoa học cơ bản (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) phát triển bền vững hơn.
Các chuyên gia trình bày tham luận tại hội thảo |
Các chuyên gia tập trung thảo luận những nội dung chính như: thực trạng tuyển sinh, đào tạo và hoạt động nghiên cứu của những ngành khoa học cơ bản trong việc phục vụ phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của đất nước; những kiến nghị và giải pháp thu hút người học trong các ngành khoa học cơ bản; kinh nghiệm quốc tế và những gợi ý về: thu hút người học, tăng tính ứng dụng và hấp dẫn của chương trình đào tạo, tính hiệu quả trong nghiên cứu khoa học, thực tiễn quản lý… cho các trường đại học có đào tạo các ngành khoa học cơ bản.
Theo PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), thực tế các trường có đào tạo những ngành khoa học cơ bản trên cả nước đang đối diện với thực trạng tuyển sinh khó khăn vì người học không mặn mà. Nhiều ngành liên tục từ năm 2017 đến nay không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu dù điểm rất thấp.
Trong đó, có nhiều ngành chỉ có vài thí sinh nhập học nhưng vẫn phải đào tạo vì đây là nhiệm vụ quốc gia. Cùng với đó là hoạt động nghiên cứu của ngành khoa học cơ bản, nhất là khối ngành khoa học xã hội, cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công bố quốc tế, chảy máu chất xám và thiếu hụt giảng viên và cán bộ nghiên cứu khoa học.
PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) phát biểu tại hội thảo |
Theo PGS-TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, khoa học cơ bản là những ngành khoa học nghiên cứu, khám phá các quy luật và tạo ra các kiến thức mới. Khoa học cơ bản cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao trình độ dân trí...
Các kết quả nghiên cứu của khoa học cơ bản là tiền đề cho sự phát triển công nghệ và nghiên cứu ứng dụng. Đó chính là nòng cốt cho sự phát triển bền vững của đất nước. Khoa học cơ bản luôn là nền tảng của sự phát triển khoa học và công nghệ ở mỗi quốc gia. Vì thế, ở tất cả quốc gia trên thế giới, nhà nước là người đầu tư lớn nhất cho khoa học cơ bản để xây dựng đội ngũ và năng lực nghiên cứu cho quốc gia mình.
PGS-TS Phạm Bảo Sơn dẫn chứng thêm, thông điệp từ Đại hội đồng Liên hiệp quốc năm 2022 cũng đã chỉ ra: thế giới cần nâng tầm cao hơn nữa trong việc phát triển khoa học cơ bản để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững đề ra từ Chương trình nghị sự 2030. Ở nước ta, vai trò của khoa học cơ bản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được xác định trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 30-10-2012 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XI) về phát triển Khoa học và Công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế: “Tăng cường nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phục vụ hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và mục đích công cộng. Quan tâm nghiên cứu cơ bản có trọng điểm; ưu tiên một số lĩnh vực khoa học mà Việt Nam có lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển khoa học cơ bản, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển khoa học cơ bản. Tiếp đến là nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực, Bộ GD-ĐT cũng đã xác định nhiệm vụ và định hướng ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng thông qua xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực sau đại học.
Đối với 2 ĐHQG, nhằm tăng sức hút cho các ngành khoa học cơ bản, ĐHQG TPHCM và ĐHQG Hà Nội đã triển khai và thực hiện nhiều chính sách, chiến lược cụ thể, đã đầu tư kinh phí để thực hiện các đề án hỗ trợ như: Đề án “Áp dụng thí điểm cơ chế tài chính nâng cao chất lượng đào tạo với các ngành khoa học cơ bản”; Đề án hỗ trợ kinh phí cho ngành khoa học cơ bản khó tuyển cho các trường thành viên....
Tuy nhiên, trong thực tế, dường như nhận thức của xã hội chưa đúng so với tầm quan trọng của khối ngành khoa học cơ bản. Quay lại bức tranh tuyển sinh từ nhiều năm qua, chúng ta thường nghe “điệp khúc” những ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh so với những ngành “hot”, thậm chí một số ngành tuyển bằng điểm sàn, có nhiều cơ hội học bổng nhưng vẫn không thu hút được người học.
Thực tế cho thấy, việc suy giảm số lượng sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản không chỉ là hiện tượng cá biệt ở nước ta, mà đây có thể nói là một hiện tượng “toàn cầu”. Theo thống kê: đối với các ngành khoa học xã hội giảm 2,3% so với 2021, đối với Toán và thống kê giảm 2,3%; Ngoại ngữ - ngôn ngữ học - văn chương giảm 6,2%...
Trong khi, một số ngành khoa học mang tính ứng dụng lại có sự gia tăng: Công nghệ thông tin tăng 7,8%; tâm lý học tăng 4,7%, các chương trình liên ngành tăng 4,4%, công nghệ truyền thông tăng 22,3%. Sự chênh lệch từ tuyển sinh đầu vào có thể dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nhân lực cho một số ngành khoa học cơ bản được coi là xương sống cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh đó, trước đây, nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước chính là hình thức cấp vốn lớn nhất và quan trọng nhất để triển khai nghiên cứu cơ bản. Tuy nhiên, khi các trường tiến hành tự chủ, nguồn kinh phí từ ngân sách đang dần giảm đi, nhường chỗ cho nguồn lực xã hội hóa và nguồn thu sự nghiệp. Đây chính là một trong những thách thức to lớn cho các cơ sở giáo dục đại học công lập có đào tạo các ngành khoa học cơ bản trong bối cảnh tự chủ đại học.
Một mặt, các trường phải đảm bảo các hoạt động để tạo nguồn thu như tuyển sinh hay huy động các nguồn lực xã hội hóa; mặt khác vẫn phải đảm bảo trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó trong tổng thể hoạt động giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ quốc gia thông qua đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản nhằm duy trì nguồn nhân lực cho xã hội và nhân lực nghiên cứu, cũng như xây dựng và đảm bảo tính cạnh tranh khoa học công nghệ trong những lĩnh vực cần thiết và trọng yếu.
Bài toán này đòi hỏi chiến lược không chỉ của mỗi trường, mà rất cần sự phối hợp giữa các bên liên quan, trong đó đội ngũ các nhà quản lý, giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo các ngành khoa học cơ bản đóng vai trò quan trọng nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng thời tận dụng những cơ hội để một mặt vẫn duy trì công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản, mặt khác phát huy những thế mạnh của khoa học cơ bản phục vụ mục tiêu chung của đất nước trong giáo dục đào tạo nghệ và khoa học.
“Tôi tin rằng trong khuôn khổ hội thảo khoa học hôm nay, với sự hiện diện của các nhà khoa học và các nhà quản lý đến từ 2 ĐHQG cũng như các trường đại học khác trong cả nước, chúng ta sẽ thu nhận được những kết quả tốt. Những ý kiến trao đổi tại hội thảo hôm nay sẽ làm rõ hơn những thực trạng, từ đó đề xuất những giải pháp liên quan đến công tác đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản”, PGS-TS Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh.