Thống kê được Bộ Công thương đưa ra cho thấy, trên các sàn TMĐT, mạng xã hội luôn có nhiều đối tượng lợi dụng sự dễ dàng trong mua bán để kinh doanh hàng giả, kém chất lượng nhằm trục lợi.
Theo đó, năm 2021, Bộ Công thương đã yêu cầu các sàn TMĐT, website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ hơn 7.000 gian hàng với gần 19.000 sản phẩm vi phạm. Năm 2022 tiếp tục gỡ bỏ và khóa gần 2.000 gian hàng với hơn 6.000 sản phẩm vi phạm. Sang năm 2023, Bộ Công thương cũng ngăn chặn bằng cách gỡ bỏ, khóa hơn 6.000 gian hàng với hơn 23.000 sản phẩm vi phạm.
Riêng với lĩnh vực thực phẩm, thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị này đã thực hiện gỡ bỏ hơn 17.000 sản phẩm, thực phẩm chức năng trôi nổi, không đảm bảo an toàn được bán trên các sàn TMĐT.
Từ những con số trên, nhiều ý kiến nhận định nguy cơ mua phải hàng không đảm bảo an toàn, kém chất lượng luôn hiện hữu nếu người tiêu dùng không tìm hiểu kỹ.
Để bảo vệ người tiêu dùng, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng phải có chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn với người bán hàng online (như kê khai đóng thuế, ràng buộc trong việc mua bán giữa người bán với sàn TMĐT) để họ có trách nhiệm hơn trong kinh doanh cũng như có sự công bằng hơn với các cửa hàng bán trực tiếp.