Theo ông Vladimir Smakhtin, Giám đốc UNU và đồng tác giả của nghiên cứu trên, đây là “một nguy cơ toàn cầu đang nổi lên mà chúng ta chưa chú ý đến”. Một con đập được thiết kế, xây dựng và bảo trì tốt có thể duy trì hoạt động trong một thế kỷ, nhưng nhiều đập lớn trên thế giới không đạt được một hoặc nhiều hơn trong các tiêu chí này.
Báo cáo cảnh báo, hàng chục con đập đã bị hư hại nghiêm trọng hoặc sụp đổ hoàn toàn trong hai thập kỷ qua ở Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Afghanistan và các quốc gia khác. Tuy hàng chục đập đã bị phá bỏ ở Mỹ, nhưng tất cả đều có quy mô nhỏ. Hơn 90% các đập lớn, có chiều cao ít nhất 15m tính từ móng đến đỉnh, hoặc có sức chứa không dưới 3 triệu m3 nước nằm ở 20 quốc gia.
Trong đó, Trung Quốc chiếm 40% đập lớn, Ấn Độ chiếm 15%. Trong vòng vài năm tới, hơn một nửa trong số đó sẽ có tuổi đời hơn 50 năm. Mỹ chiếm 16% số lượng đập trên thế giới, hơn 85% trong số đó đã hoạt động bằng hoặc quá tuổi thọ. Theo một ước tính, Mỹ sẽ tốn khoảng 64 tỷ USD để tân trang chúng. Ở Ấn Độ, 64 đập lớn sẽ có tuổi đời ít nhất 150 năm vào năm 2050. Còn ở Bắc Mỹ và châu Á, có khoảng 2.300 con đập đang hoạt động ít nhất 100 năm tuổi.
Các con đập cũ không chỉ gây rủi ro lớn hơn cho dân cư sống ở vùng hạ lưu mà còn trở nên kém hiệu quả hơn trong việc sản xuất điện và tốn kém hơn nhiều để bảo trì. Báo cáo cho thấy, số lượng các con đập lớn đang được xây dựng hoặc có kế hoạch đã giảm mạnh kể từ thập nhiên 1970, những vấn đề này sẽ nhân lên trong những năm tới.
Nhà nghiên cứu tại Đại học Ottawa và Đại học McMaster, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, một “hạm đội toàn cầu” gồm gần 60.000 con đập cũ kỹ cũng đặt ra thách thức trong việc tháo dỡ hoặc ngừng hoạt động những con đập không còn an toàn hoặc hết thời hạn hoạt động.
Trong khi đó, do biến đổi khí hậu, lượng mưa cực đoan và lũ lụt đang trở nên thường xuyên hơn. Điều này vừa làm tăng nguy cơ tràn hồ chứa vừa đẩy nhanh quá trình bồi đắp phù sa, ảnh hưởng đến an toàn đập, giảm khả năng tích nước và giảm sản lượng điện của các đập thủy điện.