Mong đòi lại được tiền
Hơn 1 tháng qua, bà Lê Thị M. (47 tuổi, ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), như ngồi trên đống lửa khi biết thông tin DA Khu đô thị Hill Land 19 bị ngành chức năng thu hồi do không triển khai đúng tiến độ và không thực hiện các trách nhiệm tài chính với Nhà nước. Năm 2016, bà được nhân viên môi giới bất động sản giới thiệu và đã xuống tận nơi xem dự án. Sau đó, bà đã đặt cọc mua 1 nền đất diện tích 100m2 với giá 450 triệu đồng và đã thanh toán hơn 400 triệu đồng cho chủ đầu tư.
Chủ đầu tư giao cho bà M. biên bản thỏa thuận hợp tác và biên lai nhận tiền, còn giấy tờ chủ quyền thì được cam kết 6 tháng sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ được nhận. Nhưng đến nay, đã hơn 3 năm, bà vẫn không nhận được giấy chủ quyền. Đến giờ, bà chỉ mong đòi lại được số tiền đã đóng cho chủ đầu tư.
Một khách hàng khác là ông Trần Văn N. (45 tuổi, ngụ thị xã Dĩ An), thấy đất DA trên rẻ, lại đóng làm nhiều đợt nên ông đã huy động tiền từ người thân để mua 2 nền. Tổng số tiền đã nộp là gần 1 tỷ đồng. Đến nay, DA đã bị thu hồi, số tiền đã nộp xem ra khó đòi lại toàn bộ. Theo ông N., DA trên được chủ đầu tư và các đơn vị phân phối quảng cáo rầm rộ với nhiều tiện ích, đã có hàng trăm người dân tham gia đóng tiền mong được sở hữu nền đất hợp pháp theo quy định của nhà nước, nhưng đến nay gần như trắng tay.
Người dân chịu rủi ro
Đến hết tháng 6-2019, toàn tỉnh Bình Dương có 381 DA phát triển nhà ở đã và đang đầu tư xây dựng. Trong đó, nhiều nhất là thị xã Dĩ An với 109 DA, Thuận An 96 DA, TP Thủ Dầu Một 50 DA và ít nhất là huyện Dầu Tiếng 2 DA. Có 4 DA bị thu hồi chủ trương đầu tư gồm: Khu đô thị Hill Land 19 tại phường Khánh Bình, Khu nhà ở thương mại An Thành tại phường Tân Phước Khánh (cùng thuộc thị xã Tân Uyên), DA khu nhà ở Quỳnh Tiên của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Đầu tư xây dựng Quỳnh Tiên và DA phát triển nhà ở độc lập tại phường Tân Bình (cùng thuộc thị xã Dĩ An). Như vậy, hàng trăm người dân đóng tiền mua nền đất tại các DA trên đã đối mặt với nguy cơ mất tiền, mất đất.
Trong thỏa thuận giữa khách hàng với nhà đầu tư ở các DA nêu trên có cam kết: khi không giao sổ và nền đất đúng tiến độ thì chủ đầu tư sẽ đền bù bằng 40% số tiền đã nộp trước đó cho khách hàng. Nhưng đến nay, sau hơn 1 tháng DA bị thu hồi, người dân mới được thông báo nhận lại 30% số tiền đã đóng, 70% giá trị còn lại và 40% số tiền đền bù theo thỏa thuận chưa biết đến bao giờ mới được nhận.
Hiện nhiều doanh nghiệp dù mới chỉ được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đã giao cho các đơn vị phân phối rao bán dự án rầm rộ. Mới đây nhất, DA Sky View của Công ty CP Chánh Nghĩa Quốc Cường, dù hồ sơ còn thiếu nhiều thủ tục như: giấy phép phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng, thông báo được phép bán DA... nhưng vẫn rao bán và cho biết đã bán hết hơn 50% số căn hộ.
Số tiền chủ đầu tư thu tối thiểu là 15% giá trị căn hộ, hoặc nhận đặt giữ chỗ với số tiền 100 triệu đồng trên một trường hợp. Các hành vi trên đã bị ngành chức năng tỉnh Bình Dương “tuýt còi”, Thanh tra Sở Xây dựng mời đại diện chủ đầu tư lên làm việc và yêu cầu chấm dứt việc rao bán, thu tiền khách hàng bằng bất cứ hình thức nào. Dù vậy, các trường hợp đã đóng tiền, tham gia mua căn hộ, giờ phải chịu các rủi ro nếu có, vì giao dịch chỉ là quan hệ dân sự giữa 2 bên.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, về nguyên tắc, các DA bị thu hồi vừa qua không đủ điều kiện để bán, nhưng doanh nghiệp chào mời người dân mua, thu tiền là không đúng với quy định của pháp luật. Nhiều doanh nghiệp khi được ngành chức năng mời lên làm việc đã lý giải, đó là việc mời gọi người dân hợp tác đầu tư. Thế nhưng, thực chất việc đầu tư này là hình thức huy động vốn trái phép vì không thỏa thuận bằng lợi nhuận vốn góp mà bằng sản phẩm bất động sản. |