Cẩn trọng với thức ăn đường phố
Một tuần trước, chị Nguyễn Phương Thảo Nguyên (37 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) mua một hộp bún xào để ăn sáng tại một gánh hàng rong vỉa hè trên đường đến công ty. Sau khi ăn bún xào, đến trưa, chị Nguyên bắt đầu có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, hoa mắt, chóng mặt. Đồng nghiệp công ty đưa chị đến một phòng khám đa khoa để cấp cứu. Tại đây, chị được nhận định bị ngộ độc thực phẩm, bác sĩ kê đơn thuốc hỗ trợ tiêu hóa và chỉ định chị Nguyên nghỉ ngơi tại nhà 2 ngày.
Trước đó, vào ngày 5-4, 37 học sinh tại Trường Tiểu học Vĩnh Trường (phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã phải đi cấp cứu do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sáng với nhiều món khác nhau tại các hàng quán bên ngoài nhà trường và gánh hàng rong. Điều đau lòng là một học sinh trong số đó đã tử vong.
Mới đây, 3 người trong một đoàn múa lân tại quận Bình Tân (TPHCM) cũng có các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sau khi ăn xôi và cơm gà xối mỡ mua tại các tiệm ăn. Hiện hai trường hợp đã được xuất viện về nhà, riêng một người đang được đặt nội khí quản hỗ trợ thở tại Bệnh viện Trưng Vương.
Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, đặc trưng thời tiết của mùa nắng nóng là nhiệt độ và độ ẩm cao, là môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm thức ăn ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều người ngại nấu ăn nên hay mua các loại thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm bày bán không bảo quản đúng cũng gây ra ngộ độc thực phẩm. Đồng quan điểm, TS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nguy cơ mất ATTP, ngộ độc thực phẩm cao hơn. Nguyên nhân là do sự phát triển mạnh của vi khuẩn gây bệnh trong thức ăn, đặc biệt là khi thức ăn đã chế biến, nấu chín để lâu ngoài trời, không được bảo quản đúng cách.
Trong khi đó, những tác động từ môi trường như khói xe, khói thuốc hoặc chất ô nhiễm khác cũng có thể đi vào thức ăn để gây độc cho người dùng do không được bảo quản đúng cách. Ngoài ra, việc người chế biến, kinh doanh lạm dụng hóa chất, phụ gia trong chế biến bảo quản thực phẩm hoặc bảo quản thực phẩm không đúng nhiệt độ, không đúng cách; cách chế biến không đúng quy định, người chế biến vừa bốc thức ăn vừa nhận tiền của khách, hay vừa chế biến, phục vụ món ăn vừa hút thuốc, cười, nói, ho, hắt hơi… nhưng lại không mang khẩu trang hay mang không đúng quy cách… cũng là những nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm.
Tăng cường thanh kiểm tra, giám sát
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong quý 1-2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023) làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong (giảm 4 ca so với cùng kỳ năm 2023). Riêng trong tháng 3-2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 368 người bị ngộ độc. Trước nguy cơ mất ATTP trong thời tiết nắng nóng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với đơn vị chức năng liên quan triển khai các biện pháp giám sát nguy cơ mất ATTP, đặc biệt chú trọng trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8. Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các đơn vị tăng cường thanh kiểm tra, giám sát; trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình...
Sở An toàn thực phẩm TPHCM cũng đã có kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm diễn ra từ ngày 15-4 đến ngày 15-5, trong đó chú trọng đến công tác kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Đồng thời tuyên truyền nâng cao kiến thức về ATTP, phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho người dân. Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng, người dân cần ăn ngay khi thức ăn vừa được chế biến, nấu chín, chỉ có thể để được tối đa 2 giờ trong nhiệt độ bên ngoài; lưu trữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn, bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 50C để ngăn sự phát triển của vi khuẩn. Thực phẩm tươi sống dễ hỏng như cá, thịt, hải sản nên được giữ ở nhiệt độ khoảng 2-30C và rã đông thực phẩm đông lạnh an toàn, việc rã đông thực phẩm đông lạnh tốt nhất là trong môi trường mát của tủ lạnh; không nên tái đông lạnh thực phẩm sau khi đã rã đông. Đồng thời, các thực phẩm thịt, cá, trứng và một số rau, củ cần phải được chế biến đúng cách và nấu chín trước khi sử dụng để tránh ngộ độc thực phẩm và bị nhiễm ký sinh trùng; sử dụng nước sạch để sơ chế hoặc chế biến thực phẩm; nguyên liệu thực phẩm phải được lựa chọn tươi, ngon, đảm bảo về nguồn gốc.
Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm vừa có kế hoạch giao Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức 5 đoàn kiểm tra liên ngành tại 10 tỉnh, thành phố, gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hưng Yên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La. Các đơn vị kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề tồn tại trong quản lý, những vi phạm về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm.