Có mặt tại cánh đồng muối xã Hộ Độ trong những ngày tháng 7 này, mặc dù là thời kỳ chính vụ, nhưng trên cánh đồng chỉ lác đác một số người lớn tuổi làm việc dưới cái nắng như thiêu đốt. Nhiều diện tích ruộng muối, mương dẫn lọc nước, thùng chứa nước… bị bỏ hoang hóa, hư hỏng, nhếch nhác, cỏ dại mọc um tùm; nhiều địa điểm trở thành bãi chăn thả bò của người dân.
Đang cặm cụi làm muối, ông Lê Doãn Sơn (62 tuổi, ở thôn Yên Thọ, xã Hộ Độ), cho biết, nói đến Hộ Độ là nói đến nghề làm muối truyền thống. Muối ở đây nổi tiếng cả vùng. Ngày trước, người dân chủ yếu sống nhờ vào nghề làm muối, cả xã có 9-10 hợp tác xã làm muối. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, thu nhập từ muối quá thấp, giá rẻ mạt, muối làm ra không tiêu thụ được, đã thế lại bị ép giá đủ đường…, người dân chán nản, bế tắc, bỏ nghề.
“Gia đình tôi có 4 thế hệ gắn bó với nghề làm muối, bản thân tôi bắt đầu làm muối từ 15 tuổi. Nhưng với tình hình hiện nay, đến thế hệ của tôi sẽ chấm dứt nghề này luôn”, ông Sơn cho biết. Vì đã lớn tuổi, không đủ sức khỏe để đi làm thuê, nên ông phải ở lại bám trụ làm muối được đồng nào hay đồng ấy.
Ông Lê Doãn Luyện (70 tuổi, ở thôn Yên Thọ), cho biết: “Trước đây ở cánh đồng muối Hộ Độ, cứ vào mùa này là rất sầm uất, muối làm ra trắng cả đồng và được tiêu thụ hết ngay. Thương lái từ khắp nơi đi xe đến, đi thuyền trên sông Hộ Độ vào, mua bán đông đúc. Nhưng bây giờ, lâu lâu mới có thương lái đến mua muối, hoặc người làm muối đẩy đi bán dạo”.
Theo ông Phan Đình Hinh, Chủ tịch UBND xã Hộ Độ, nghề làm muối ở Hộ Độ được hình thành từ lâu, thời hưng thịnh diện tích làm muối lên đến hơn 100ha, nhưng nay đã bỏ hoang 80%-90%. Lúc cao điểm, sản lượng muối đạt 5.000 - 10.000 tấn/mùa, nhưng nay xã chỉ còn khoảng 20 hộ dân làm muối, sản lượng chỉ đạt 200 - 300 tấn/mùa. Thời gian qua, xã đã có chính sách hỗ trợ 2,3 triệu đồng/sào cho người dân cải tạo đồng muối hoang hóa để đưa vào sản xuất, thế nhưng người dân không làm. Tình trạng này tiếp diễn, có lẽ không bao lâu, nghề làm muối truyền thống ở đây sẽ biến mất.
Ông Võ Tá Bình, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lộc Hà, cho biết, chính quyền địa phương mong muốn giữ lại nghề làm muối này, nhưng rất khó. Thời gian qua, tại các cuộc họp đã trao đổi, đề xuất, kiến nghị lên tỉnh, huyện là nên có quy hoạch tổng thể để đầu tư sản xuất muối sạch, tìm đầu ra ổn định và hướng đi mới trong sản xuất muối, góp phần bảo tồn nghề làm muối Hộ Độ, nhưng đây mới chỉ là đề nghị chứ vẫn chưa có văn bản cụ thể.