Nguy cơ mắc hàng loạt bệnh vì sử dụng đồ uống có đường

Ngày 24-7, tại Đà Nẵng, Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo “Cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại, đặc biệt là áp dụng chính sách thuế”.

Người tiêu thụ nước ngọt thường xuyên từ 1-2 lon/ngày hoặc nhiều hơn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao hơn 26% so với những người hiếm khi uống các loại thức uống này
Người tiêu thụ nước ngọt thường xuyên từ 1-2 lon/ngày hoặc nhiều hơn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao hơn 26% so với những người hiếm khi uống các loại thức uống này

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế cho biết, các bệnh không lây nhiễm hiện đang là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng, gây ra số trường hợp tử vong lớn hơn tổng số tử vong do tất cả các loại bệnh khác cộng lại.

Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Các bệnh không lây nhiễm hiện đang chiếm 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc. Đây chính là nguyên nhân tiềm tàng làm cho tuổi thọ của người dân Việt Nam tuy có tăng nhưng chất lượng sức khỏe biểu thị thông qua số năm sống khỏe mạnh lại giảm.

Cùng với thuốc lá, sử dụng đồ uống có đường cũng là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh do rối loạn chuyển hóa…

IMG_20240724_202521.jpg
Các chuyên gia khuyến cáo đồ uống có đường có thể gây hàng loạt bệnh tại hội thảo

Đáng chú ý, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 đồng thời Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040. Trong khi đó, tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã gia tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ mức trung bình 6,6 lít /người/năm vào năm 2002 lên mức 50,7 lít/người/năm (2018).

Đồng ý kiến, theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) cảnh báo, người tiêu thụ nước ngọt thường xuyên từ 1-2 lon/ngày hoặc nhiều hơn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao hơn 26% so với những người hiếm khi uống các loại thức uống này. Tiêu thụ đồ uống có đường có thể liên quan đến 9,3% tỷ lệ mắc bệnh tim mạch được chẩn đoán.

"Lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe; tương đương dưới 20-50g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12-25g đường mỗi ngày với trẻ em. Điều này có nghĩa là chúng ta ưu tiên sử dụng đường trong thực phẩm tự nhiên, thực phẩm lành mạnh, hạn chế các thực phẩm nhiều đường, muối… Đặc biệt, trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường", PGS.TS Tuyết Mai nêu.

Tại hội thảo, các chuyên gia khuyến cáo giải pháp hạn chế tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh, đồ uống có đường bằng cách xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường…

Tin cùng chuyên mục