Nhật Bản họp khẩn
Đây là hành động phô diễn lực lượng đầu tiên của Bình Nhưỡng trong năm 2022. Jagang là khu vực Bình Nhưỡng từng phóng tên lửa siêu thanh Hwasong-8 hồi tháng 9-2021. Trong trường hợp vật thể bay này được xác định là tên lửa, đây sẽ là vụ phóng tên lửa tiếp theo của Triều Tiên kể từ vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) hồi tháng 10 năm ngoái.
Ngay lập tức, Chính phủ Nhật Bản đã triệu tập cuộc họp khẩn. Các phương tiện truyền thông Nhật Bản cũng cho biết, vật thể bay có thể đã rơi ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Phát biểu với báo giới sau vụ phóng của Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã yêu cầu các quan chức nước này thực hiện các biện pháp triệt để nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và máy bay, đồng thời chuẩn bị đầy đủ cho các tình huống bất ngờ. Ngoài ra, Thủ tướng Kishida cũng nhấn mạnh, việc Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa từ năm ngoái là “một điều đáng bị chỉ trích”. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cũng kêu gọi các tàu thuyền trong khu vực duy trì cảnh giác và tiếp tục cập nhật thông tin.
Chỉ vài giờ sau, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nobuo Kishi sẽ đối thoại trực tuyến với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin theo khuôn khổ đối thoại “2+2” vào ngày 7-1 để thảo luận về các vấn đề an ninh. Trọng tâm thảo luận sẽ xoay quanh toàn diện tình hình an ninh mà hai đồng minh đang đối mặt cũng như các vấn đề liên quan tới “một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Kêu gọi nối lại đàm phán
Vụ phóng tên lửa diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố sẽ tăng cường năng lực quân sự quốc gia giữa lúc bế tắc ngoại giao kéo dài xung quanh chương trình hạt nhân của nước này. Truyền thông Hàn Quốc cho rằng, điều này được hiểu là Triều Tiên sẽ tập trung vào việc tăng cường tiềm lực quân sự. Tờ Busan Ilbo ngày 5-1 dẫn nhận định của giới chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, việc Triều Tiên tiến hành vụ phóng vào đầu năm mới cho thấy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ gia tăng trong năm 2022.
Sau khi Bình Nhưỡng phóng vật thể bay được cho là tên lửa đạn đạo hướng tới biển Nhật Bản, trong sáng cùng ngày, phát biểu tại buổi lễ khởi công xây dựng tuyến đường sắt tại một thị trấn biên giới liên Triều, Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ sự quan ngại nhưng tuyên bố Hàn Quốc không từ bỏ hy vọng đối thoại với Triều Tiên, bất chấp vụ việc này.
Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) của Hàn Quốc, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã hối thúc Triều Tiên phản hồi kêu gọi đối thoại. Giới chức tình báo của Hàn Quốc và Mỹ cũng đồng ý nhất trí tiếp tục nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên trên cơ sở liên minh bền chặt Hàn Quốc - Mỹ.
Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân kêu gọi tất cả các bên ghi nhận bức tranh lớn hơn, trân trọng hòa bình và ổn định “khó giành được” trên bán đảo Triều Tiên, tuân thủ đối thoại và tham vấn để đạt được giải pháp chính trị.
Vụ phóng thử mới nhất của Triều Tiên một lần nữa cho thấy nỗ lực của các bên vẫn chưa đạt được điểm chung và vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đi tới một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên. |