Mỗi trường mỗi kiểu
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, nhóm ngành CNTT có 9 ngành gồm: Khoa học máy tính, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin, Hệ thống thông tin quản lý, Công nghệ kỹ thuật máy tính, CNTT, An toàn thông tin. Trong khi đó, nhóm ngành Du lịch gồm các ngành: Du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống và các mã ngành đào tạo thí điểm trong lĩnh vực du lịch chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV hiện hành để đáp ứng nhu cầu về nhân lực du lịch (Thông tư 09/2022 ngày 6-6-2022 của Bộ GD-ĐT quy định danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục ĐH). Trong đó, điểm nổi bật là các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong xác định chỉ tiêu, xây dựng mức học phí với những ngành đặc thù.
Tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, 2 nhóm ngành CNTT và Du lịch được xác định chỉ tiêu và tuyển sinh như các chương trình khác. Tuy nhiên, trong chương trình đào tạo có khoảng 40% giảng viên thỉnh giảng là các doanh nhân, các chuyên gia từ doanh nghiệp, thời lượng học thực hành và đi thực tế tại doanh nghiệp nhiều hơn. Học phí được tính bằng mức học phí với các chương trình khác. Còn Trường ĐH Tài chính - Marketing TPHCM chỉ tuyển sinh nhóm ngành Du lịch. Trường đưa ra mức học phí cao hơn khoảng 10% so với những chương trình khác. Trong chương trình đào tạo, trường ký hợp đồng thỉnh giảng với các chuyên gia từ doanh nghiệp và sinh viên được đi thực tế nhiều. Ngoài ra, khi xây dựng chương trình đào tạo, trường cũng mời các doanh nghiệp tham gia góp ý.
Trong khi đó, theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Trường ĐH Công thương TPHCM), trường có 4 ngành là CNTT, An toàn thông tin, Khoa học dữ liệu, Quản trị du lịch và lữ hành tuyển sinh theo nhóm ngành đặc thù. Điểm khác biệt ở chương trình đào tạo của những ngành này là một phần chương trình đào tạo do các doanh nhân đảm nhận xen kẽ với giảng viên của trường. Riêng nhóm ngành CNTT có khoảng 20% số tiết học ở từng môn học do các doanh nhân đào tạo. Ngoài ra, một số môn học khi kết thúc là sinh viên được đi thực tế và có một học kỳ tại doanh nghiệp từ 5-6 tháng...
Cơ hội tăng chỉ tiêu và học phí
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, nhóm ngành CNTT và Du lịch được khuyến khích các cơ sở đào tạo mở các ngành mới. Chính vì vậy, trong vài năm gần đây, rất nhiều trường ĐH đua nhau mở những ngành này. Tuy nhiên, vấn đề học phí, chương trình đào tạo còn nhiều vấn đề sinh viên chưa hài lòng.
Theo phản ánh của sinh viên Khoa Du lịch Trường ĐH Tài chính - Marketing TPHCM, khi trúng tuyển vào học chương trình đại trà nhưng nhà trường chuyển qua học chương trình đặc thù với chương trình học thực tế nhiều hơn (50% học thực hành với doanh nghiệp, thực tập tại khách sạn, resort 4 sao, 5 sao). Do đó, học phí cũng tăng cao so với chương trình đại trà. Theo cam kết của nhà trường, với chương trình đào tạo đặc thù, sinh viên được học 50% lý thuyết và 50% thực hành, được thiết kế theo hướng mở, dễ chuyển đổi và liên thông; 30% thời lượng sinh viên học với các chuyên gia hoặc lãnh đạo doanh nghiệp; 100% sinh viên được thực hành trên các phần mềm hoặc thực hành mô phỏng tại các doanh nghiệp; 100% sinh viên được tham quan thực tế, chỗ thực tập và vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp; các dạng đề tài thực hành, thực tập do doanh nghiệp đề xuất, đi sát thực tế. Thế nhưng, chương trình học thì không được học thực hành, đi thực tế, không có doanh nghiệp dạy. Có những môn giảng viên dạy thiếu buổi nhưng vẫn thi qua môn... Ngoài ra, khi đi thực tế, nhà trường nói lo toàn bộ chi phí nhưng thực tế sinh viên phải đóng phí.
Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, để rõ ràng với người học, trong đề án tuyển sinh cần công bố rõ các chương trình đào tạo, học phí và các loại chi phí khác. Để tránh những phát sinh khó lường, các chương trình đặc thù của nhà trường được công khai và thu mức học phí như những chương trình đại trà. Những trường ĐH triển khai đào tạo 2 nhóm ngành đặc thù này được “tạo điều kiện” tăng chỉ tiêu trong quy định về giảng viên thỉnh giảng. Theo quy định chung, giảng viên thỉnh giảng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải có trình độ từ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên. Tuy nhiên, riêng với các nhóm ngành đặc thù thì giảng viên thỉnh giảng có thể là các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý (gọi chung là chuyên gia) có kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp về lĩnh vực liên quan. Do đó, với những trường chạy theo chỉ tiêu thì họ sẽ tận dụng tăng chỉ tiêu dựa vào nguồn giảng viên thỉnh giảng.
Theo một chuyên gia kiểm định thuộc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia TPHCM), nhiều trường ĐH đang chạy đua mở các ngành đặc thù liên quan đến Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu... mà mục đích là nhằm tăng chỉ tiêu. Bởi thực tế, khi kiểm định tiêu chí giảng viên có đến 70%-80% giảng viên là thỉnh giảng, giảng viên cơ hữu thì không có tiến sĩ đúng chuyên ngành, trong khi điều kiện thực hành, thực tập cũng không đảm bảo. Để kiểm soát chất lượng đào tạo những ngành đặc thù, Bộ GD-ĐT cần có một cuộc tổng kiểm tra về các điều kiện mở ngành, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, điều kiện thực hành, thực tập...). Nếu trường nào không thực hiện đúng thì cần cho dừng tuyển sinh.