Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump không xác nhận việc Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân mà nước này đạt được với Nhóm P5+1, đồng thời chỉ trích Tehran nhiều lần vi phạm thỏa thuận này và không tuân thủ tinh thần của thỏa thuận, dư luận nhận định Tổng thống Mỹ đang tạo ra “một cuộc khủng hoảng quốc tế”. Nó đang đẩy thỏa thuận hạt nhân lịch sử này vào tình thế bấp bênh và tạo ra những rủi ro chưa thể lường hết đối với nhiều mối quan hệ quốc tế và tình hình an ninh khu vực.
Iran cứng rắn
Ngày 13-10, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) với cáo buộc lực lượng này cung cấp hỗ trợ cho một số nhóm khủng bố ở Trung Đông, trong đó có có Hezbollah và Hamas, cũng như Taliban. Trong danh sách trừng phạt còn có 4 thực thể: 3 tại Iran và 1 tại Trung Quốc.
Trong khi đó, quân đội Mỹ cho biết đang xác định các lĩnh vực mới để có thể hợp tác với các đồng minh nhằm gây áp lực đối với Iran, qua đó hỗ trợ chiến lược mới của Tổng thống Donald Trump, trước mắt là thảo luận với các đồng minh tại châu Âu, Trung Đông.
Phản ứng trước quyết định của Tổng thống Mỹ, phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 13-10, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, thỏa thuận hạt nhân quốc tế, còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), sẽ vẫn nguyên vẹn, không thay đổi và không thể đàm phán lại. Tổng thống Rouhani tuyên bố Iran không bao giờ khuất phục trước bất cứ áp lực nước ngoài nào, đồng thời sẽ đáp trả lại các lệnh trừng phạt mà Mỹ định áp đặt lên IRGC. Iran nhấn mạnh, bất kỳ động thái nào nhằm chống lại các lực lượng vũ trang Iran, trong đó có IRGC, sẽ vấp phải những phản ứng mạnh mẽ của Tehran.
Cảnh báo của dư luận
Những động thái cứng rắn của Tổng thống Mỹ liên quan JCPOA đã vấp phải sự phản đối của nhiều bên, kể cả các đồng minh của Mỹ. Không chỉ Iran cảnh báo Mỹ, mà tất cả các đồng minh châu Âu của Washington thời gian qua đều nỗ lực để ngăn cản những “hành động ngược chiều” có thể gây những hậu quả nghiêm trọng nếu Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA.
Ngày 14-10, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, nếu Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, có thể khiến Iran phát triển vũ khí hạt nhân và làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh. Văn phòng Tổng thống Pháp tuyên bố, Pháp cam kết thực thi thỏa thuận nói trên, đồng thời khẳng định sẽ cùng các đối tác châu Âu duy trì thực hiện các cam kết liên quan đến thỏa thuận với Iran. Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận trên sẽ gây tổn hại bầu không khí an ninh, ổn định và không phổ biến hạt nhân trên toàn thế giới.
Theo Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Hạ viện Nga Leonid Slutsky, Mỹ có thể bị cô lập tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nếu hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng khẳng định Mỹ không thể đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Bởi khi đó, gần như chắc chắn Mỹ phải một mình xoay xở trong vấn đề Iran, với nguy cơ đẩy quan hệ với các đồng minh quan trọng, đặc biệt ở châu Âu, vào tình thế khó xử. Hệ quả tất yếu xảy ra là sự đối đầu với Iran, đẩy nguy cơ xung đột trong khu vực lên cao, thậm chí đến mức không thể đảo ngược.
Chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Mỹ Julien Zarifian cho rằng, quyết định của Tổng thống Donald Trump đã gửi 1 thông điệp mạnh mẽ tới các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông, đặc biệt là Israel và Saudi Arabia. Tuy nhiên, những quyết định “dường như mang động cơ của những toan tính chính trị của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ khiến an ninh và sự ổn định tại nhiều nơi bị ảnh hưởng. Chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2017, tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) cũng đã chỉ trích quyết định mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cho rằng sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động phát triển hạt nhân.
Còn tại Mỹ, trong 60 ngày tới, Quốc hội Mỹ, do phe Cộng hòa kiểm soát, sẽ phải quyết định có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận. Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc đạt được 60 phiếu ủng hộ để áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt Iran tại Thượng viện không phải là điều dễ dàng và trong trường hợp không có lệnh trừng phạt bổ sung nào được đưa ra, JCPOA vẫn sẽ tiếp tục có hiệu lực mà không cần tới sự ủng hộ của Tổng thống Donald Trump.
Nỗ lực hủy bỏ Obamacare tiếp tục gặp rào cản pháp lý
Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump ký ban hành một sắc lệnh nhằm giảm chi phí mua bảo hiểm y tế mà theo ông sẽ giúp hàng triệu người dân Mỹ, ngày 13-10, giới chức tư pháp 18 bang của Mỹ đã đệ đơn kiện lên Tòa án liên bang ở California yêu cầu ngăn chặn quyết định của Tổng thống.
18 bang trên đề nghị tòa án yêu cầu chính quyền của Tổng thống Trump chi trả các khoản trợ cấp theo đúng kế hoạch vào ngày 18-10 tới. Các chuyên gia nhận định các bang này sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý khó khăn. Theo Hiệp hội các nhà điều hành bảo hiểm quốc gia Mỹ, quyết định mới nhất của Tổng thống Donald Trump ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 1 tỷ USD tiền trợ cấp cho các công ty bảo hiểm trong năm 2017, khiến chi phí mua bảo hiểm của người dân tăng 12%-18% trong năm 2018. Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho rằng, việc cắt trợ cấp bảo hiểm có thể khiến thâm hụt liên bang tăng tới 194 tỷ USD trong 1 thập kỷ tới.
Trong một diễn biến khác, Chính quyền Mỹ cùng ngày đã bác kế hoạch tăng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), điều mà WB cho là cần thiết để tăng cường thực hiện nhiệm vụ chống đói nghèo toàn cầu.