Nguy cơ đột quỵ cao do chạy bộ quá sức

Hiện phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh mẽ với nhiều giải đấu được tổ chức liên tục, thu hút nhiều người tham gia. Bên cạnh những lợi ích về sức khỏe, thể chất và tinh thần, nhiều vận động viên cũng thường xuyên gặp vấn đề sức khỏe, thậm chí tử vong trong đường chạy. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để giảm thiểu những sự cố đáng tiếc trong quá trình chạy và tập luyện, cần đặt sự an toàn lên hàng đầu.

Các vận động viên tham gia một giải chạy
Các vận động viên tham gia một giải chạy

Đột tử trên đường chạy

Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị thành công cho người bệnh T.Q.T. (31 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) bị hội chứng ly giải cơ vân, phải lọc thận cấp do vận động mạnh sau khi tham gia một giải chạy. Trước đó, ngày 19-5, người bệnh nhập viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, bứt rứt, có cơn co giật, thở oxy qua mặt nạ và nước tiểu có màu nâu sậm. Các bác sĩ đã xử trí bù dịch, kiềm hóa nước tiểu và lọc thận chậm cho người bệnh. Hiện anh T. đã tỉnh táo, không còn co giật, tự ăn uống được, sinh hiệu ổn định và đang tiếp tục được lọc thận.

Theo TS-BS Phạm Minh Huy, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, hội chứng tiêu cơ vân là tình trạng các tế bào cơ vân bị tổn thương và bị hủy hoại, dẫn đến việc giải phóng các chất trong tế bào cơ vào máu như kali, axit uric, axit lactic, myoglobin hay các enzym làm rối loạn điện giải, toan chuyển hóa, thậm chí là gây suy thận cấp.

Qua ghi nhận, từ đầu năm đến nay, nhiều vận động viên tham gia các giải chạy gặp sự cố về sức khỏe, thậm chí tử vong do chủ quan, không tìm hiểu kỹ và lượng sức mình trước khi đăng ký tham gia. Điển hình, cuối tháng 3 vừa qua, một vận động viên tham gia giải chạy Vietnam Ultra Marathon (tỉnh Hòa Bình) ngất xỉu trên đường đua và sau đó đã tử vong. Trước đó, một nam sinh lớp 9 (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cũng tím tái rồi tử vong sau khi tham gia nội dung chạy 200m tại Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện…

Lý giải nguyên nhân sự cố thường gặp trong chạy bộ, bác sĩ Trần Chí Khôi, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, cho biết, khi gắng sức quá mức trong chạy bộ hoặc trong các cuộc đua thể thao có tính đối kháng, hầu hết cơ quan trong cơ thể đều phải vận động trên mức bình thường, toàn bộ chuyển hóa của cơ thể tăng lên, nhịp tim tăng, huyết áp tăng… dẫn đến nguy cơ đột tử.

Theo bác sĩ Trần Chí Khôi, những người có các bệnh nền tiềm ẩn về tim mạch, rối loạn nhịp tim, bệnh lý van tim, thiếu máu cục bộ… lúc bình thường không bộc lộ ra ngoài, nhưng khi gắng sức, cơ thể phải hoạt động nhiều hơn sẽ rất nguy hiểm. Thậm chí, nếu gắng sức chạy dưới thời tiết nắng nóng gay gắt, nhịp tim tăng kết hợp với mất nước, mất mồ hôi nhiều sẽ gây ra rối loạn nhịp tim hoặc ngưng tim bất cứ lúc nào.

Kiểm tra sức khỏe, hoạt động vừa sức

Mặc dù chạy bộ giúp cơ thể dẻo dai, săn chắc, tăng sức đề kháng và sảng khoái tinh thần, nhưng theo các chuyên gia, một số chấn thương có thể xảy ra, để lại nhiều di chứng nặng nề nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách. Ở bất cứ giải chạy nào, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn cho vận động viên cần đặt lên hàng đầu, trong đó, quan trọng nhất là khâu an toàn về sức khỏe cho người chạy và việc kiểm tra sức khỏe trước khi thi đấu là bắt buộc để không xảy ra những điều đáng tiếc. Mỗi vận động viên cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết trong lúc tập luyện, như các bài tập khởi động, duy trì tư thế chạy bộ đúng, hít thở đúng, các bài tập giãn cơ sau khi chạy bộ và cách phòng ngừa chấn thương trong chạy bộ. Đặc biệt, mỗi vận động viên đảm bảo cự ly đăng ký phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân, tránh các sự cố không mong muốn trên đường đua.

$4c.jpg
Các vận động viên tham gia một giải chạy

Theo các bác sĩ, đa số các trường hợp nguy hiểm thường sẽ xoay quanh 3 nguyên nhân chính: co thắt đường thở (co thắt khí phế quản), rối loạn nước, điện giải (có thể gây phù não do bổ sung nước không đúng cách) và các vấn đề tim mạch. Để tránh các mối nguy hiểm khi tham gia chạy bộ, vận động viên cần khởi động kỹ trước khi chạy, sử dụng các loại nước bổ sung điện giải thay vì chỉ uống nước lọc, và khi luyện tập nên đeo các thiết bị theo dõi để duy trì nhịp tim lý tưởng.

Đối với những trường hợp bị hội chứng ly giải cơ vân do vận động nặng, TS-BS Phạm Minh Huy cảnh báo, khi mọi người tập thể dục, rèn luyện sức khỏe, lưu ý nên tập luyện từ từ rồi tăng dần cường độ, không nên hoạt động quá sức ngay một lúc. Có 3 yếu tố quan trọng rất dễ dẫn tới khu cơ vân, đó là vận động kéo dài, vận động cường độ cao và trong môi trường nắng nóng. Nếu có bất kỳ 1 trong 3 yếu tố trên thì người tập nên cẩn thận, phải bù đủ dịch, điện giải và các chất dinh dưỡng trong quá trình tập luyện. Khi có triệu chứng của các tiêu cơ vân như quá mệt mỏi, quá sức không giơ tay chân được và đặc biệt đi tiểu nước tiểu có màu sậm (giống màu xá xị), cần đến các cơ quan y tế để kiểm tra và xử trí kịp thời.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi tham gia chạy bộ, vận động viên cần lưu ý bổ sung nước (điện giải) thường xuyên khoảng 200ml/10-15 phút; bổ sung năng lượng, nước uống chuyên dụng cung cấp carbon hydrat. Nếu có một số biểu hiện bất thường như: đau ngực, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở tăng dần, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, căng cơ..., vận động viên nên ngưng chạy và trao đổi với bộ phận hỗ trợ y tế. Sau khi kết thúc chạy, cần giảm dần cường độ bằng cách đi bộ thả lỏng 5-10 phút; bổ sung nước (khoảng 250ml) trong vòng 30 phút; tránh tắm ngay, nên tắm sau khi kết thúc chạy ít nhất 30 phút; tập những bài tập giãn cơ sau khi chạy.

Tin cùng chuyên mục