Đây là mối lo lớn, bởi đang là thời điểm nhiều trang trại tăng đàn heo để đáp ứng nguồn thịt cho thị trường Tết Nguyên đán 2019.
3 tháng di chuyển hơn 3.000km
Vừa qua, Trung Quốc công bố phát hiện thêm ổ dịch AFS tại tỉnh Vân Nam vào ngày 21-10 và đã tiêu hủy 7.000 con heo. Tỉnh Vân Nam chỉ cách tỉnh Lào Cai khoảng 700km.
Song song đó, Trung Quốc phát hiện thêm dịch ở tỉnh Chiết Giang và Hồ Nam, với hơn 3.000 con heo bị nhiễm dịch AFS. Dịch AFS đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, khi tỉnh phát hiện đầu tiên là Liêu Ninh (vào tháng 8-2018) nằm cách tỉnh Vân Nam hơn 3.000km. Chỉ trong vòng 3 tháng, dịch bệnh đã lây lan khá nhanh.
Tính tới thời điểm này, Trung Quốc đã phải tiêu hủy 200.000 con heo. Cứ tốc độ “di chuyển” như trên, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp Việt Nam, dịch AFS sẽ ngày càng áp sát biên giới Việt Nam và có nguy cơ lây lan vào Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn.
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT Việt Nam), dịch AFS phát hiện đầu tiên là năm 1920 tại châu Phi. Đến năm 1950, dịch AFS lây lan ra châu Âu. Nhiều nước châu Âu phải mất hơn 40 năm và rất nhiều kinh phí để tập trung ngăn chặn dịch AFS.
Tuy nhiên, năm 2007, dịch AFS lại tiếp tục bùng phát ở khu vực châu Âu. Tháng 5-2018, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), dịch AFS lan rộng ra khỏi nước Nga, đến tháng 8 đã lây sang Trung Quốc và cảnh báo trong thời gian ngắn sẽ ra khỏi phạm vi Trung Quốc.
Không chỉ riêng châu Âu, nhiều nước đang lo ngại trước dịch AFS đã trải qua gần 100 năm nhưng chưa có vaccine ngăn chặn, phòng ngừa và trở thành mối đe dọa cho ngành chăn nuôi heo trên toàn thế giới. Tuy dịch AFS không gây hại cho người, nhưng con heo khi nhiễm bệnh thì sẽ chết trong vòng 3 - 7 ngày và chỉ có biện pháp duy nhất diệt virus là tiêu hủy con heo.
Thậm chí, virus vẫn tồn tại trong sản phẩm chế biến như xúc xích, thịt nguội… Đó cũng là nguyên nhân khiến dịch AFS tại Trung Quốc lây lan rất nhanh, nguyên nhân một phần do nhập thịt, sản phẩm chế biến từ các nước có heo nhiễm bệnh. Do đó, Việt Nam cần phải kiểm tra kỹ thịt và sản phẩm chế biến nhập khẩu. Đặc biệt, virus này còn lây lan qua đường khác như con ve, bọ chét, rận trên heo hoặc qua lông vũ của loài chim.
Nguy cơ thiếu hàng tết
Những thông tin về dịch AFS đang được các trại chăn nuôi cập nhật hàng ngày trong tâm trạng lo lắng. Ông Nguyễn Quang Thụy, chủ một trang trại heo tại huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), cho biết: “Toàn bộ tài sản vốn liếng gia đình đang tập trung vào hơn 1.000 con heo. Hiện tại, trang trại của chúng tôi đã đảm bảo công tác phòng ngừa sinh học như không cho người lạ vào trại, tiêm kháng sinh, vệ sinh chuồng trại… Tuy nhiên, nếu dịch AFS bùng phát tại Việt Nam,chúng tôi phải lập tức “thanh lý” đàn heo, xem như lỗ lớn vì kinh phí đền bù không được bao nhiêu”.
“Bộ NN-PTNT cần sớm ban hành kịch bản ứng phó dịch và Nhà nước phải nâng lên cảnh báo “nguy hiểm” ngay lập tức. Nếu xảy ra dịch trong dịp Tết Nguyên đán, chúng ta buộc phải tăng cường nhập khẩu thịt heo từ nước ngoài để đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, nhưng như vậy sẽ càng gặp khó khăn trong công tác kiểm nghiệm sản phẩm nhập khẩu”, ông Nguyễn Trí Công đề nghị |
Ông Trầm Quốc Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi an toàn Tiên Phong, cũng lo lắng cho biết nhiều trang trại đang tăng đàn, chuẩn bị hàng cung ứng thị trường Tết Nguyên đán 2019. Nếu dịch bùng phát tại Việt Nam thời điểm này sẽ ảnh hưởng rất lớn cho ngành chăn nuôi heo. Song song đó, Nhà nước cần có kịch bản đền bù thiệt hại, tránh tình trạng nông dân mang heo bị nhiễm dịch AFS đã chết ra ngoài thị trường tiêu thụ. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, kiến nghị cần xây dựng kịch bản cho từng khu vực nếu xảy ra dịch AFS.
TPHCM đã chủ động công tác phòng chống dịch AFS nếu lây lan tới địa phương. Theo Chi cục Thú y TPHCM, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải… về phòng chống dịch AFS.
Trong khi chờ đợi Bộ NN-PTNT ban hành kịch bản nếu dịch AFS bùng phát tại Việt Nam và trong bối cảnh chưa có vaccine phòng ngừa, Chi cục Thú y kiến nghị các bộ, ngành liên quan tập trung quản lý chặt chẽ việc nhập heo từ các nước (đặc biệt từ Trung Quốc) vào Việt Nam; tăng cường quản lý việc xuất, nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật; kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở để thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh; đầu tư trang thiết bị dụng cụ chuyên ngành để chủ động phòng chống dịch AFS...