Bệnh sởi tăng mạnh
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết tính đến ngày 28-9, trên địa bàn Hà Nội chưa có bệnh nhân tử vong do sởi nhưng đã ghi nhận tới 400 trường hợp mắc sởi, trong đó trên 70% là trẻ em dưới 5 tuổi. So với cả năm 2017 thì số ca mắc sởi ở Hà Nội đã tăng hơn 5 lần.
Số trẻ mắc sởi tăng cao khiến các bệnh viện (BV) Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Hà Đông... rơi vào tình trạng quá tải. Kết quả kiểm tra của các BV cho thấy có trên 85% số trẻ mắc sởi nhập viện không được tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa đến tuổi tiêm. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại một số địa phương khác ở phía Bắc như Sơn La, Quảng Ninh, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Ninh, Cao Bằng, Nam Định...
Tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam, theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM, thống kê trong tháng 8 và tháng 9 cho thấy số ca mắc bệnh sởi tăng mạnh so với cùng kỳ các năm gần đây. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, địa phương có số ca mắc bệnh sởi cao nhất khu vực là tỉnh Đồng Nai với 136 ca, tiếp theo là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM.
Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, bệnh sởi trên địa bàn này bắt đầu gia tăng từ giữa tháng 8 và mắc rải rác ở 51 xã, phuờng, tập trung nhiều nhất ở huyện Nhơn Trạch, TP Biên Hòa, huyện Long Thành. Riêng tại TPHCM, từ đầu năm đến nay cũng ghi nhận 96 ca mắc sởi, trong đó tăng đột biến vào tháng 9.
Tình trạng số lượng lớn trẻ nhập viện do sởi không được tiêm chủng đầy đủ hoặc chưa đến tuổi tiêm, trong khi sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp, dẫn đến nguy cơ số trẻ bị sởi sẽ tiếp tục tăng cao ở các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 95% quy mô xã, phường.
Bệnh tay chân miệng bùng phát
Cũng trong 2 tháng 8 và 9, bệnh tay chân miệng tăng đột biến ở các tỉnh khu vực Đông Nam bộ. Theo số liệu tổng hợp của Viện Pasteur TPHCM, tại tỉnh Đồng Nai từ đầu năm đến nay có hơn 4.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 90% là trẻ dưới 3 tuổi. Gần đây, có những tuần, trên địa bàn tỉnh ghi nhận đến 500 ca bệnh, nhiều trường hợp bệnh trở nặng nguy hiểm.
Tại Bình Dương, bác sĩ Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết trong tháng 8-2018, toàn tỉnh phát hiện 478 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 202 ca so với tháng trước. Tại TPHCM, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP, số ca bệnh nhập viện hiện là 3.200 ca và 15.500 ca điều trị ngoại trú. Trong 2 tuần giữa tháng 9, số ca bệnh tay chân miệng có hiện tượng tăng nhanh. Tại các BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, có gần 60% là các ca bệnh đến từ các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam bộ, một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Lý giải nguyên nhân dịch bệnh tay chân miệng tăng cao và có nguy cơ quay trở lại như năm 2011, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho rằng qua điều tra dịch tễ, năm 2018 có sự phổ biến của chủng virus Enterovirus 71 (Ev71), chiếm 25% tổng ca mắc. Virus này khiến bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng hơn, tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp, có thể gây tử vong. Đặc biệt, có sự biến đổi chủng gien của Ev71 từ C5 sang C4. Đây cũng là chủng gien virus gây nên dịch bệnh tay chân miệng ở nước ta vào năm 2011 với 70.000 người mắc và 145 người tử vong.
“Chủng này cũng dễ gây biến chứng nặng, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi cao gấp 1,7 lần so với các chủng gien khác của Ev71. Điều này có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh chóng tại các tỉnh, thành trong cả nước những tuần gần đây”, PGS-TS Phan Trọng Lân nói.
Bên cạnh đó, thời tiết chuyển mùa cũng đang khiến nhiều người mắc các bệnh về hô hấp, nhất là ở trẻ nhỏ. Tại BV Nhi trung ương, gần đây đã tiếp nhận điều trị cho nhiều trẻ nhỏ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) trong tình trạng sức khỏe nguy kịch phải thở máy, trong đó riêng Khoa Hô hấp của BV đang điều trị cho 20 trẻ bị nhiễm RSV.