Tuy nhiên, tác động của thời gian, thiên tai đã khiến đền bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng và đang có nguy cơ trở thành phế tích.
Cụm di tích đền Phú Sơn
Có mặt tại cánh đồng Đội Lối, quan sát từ bên ngoài tuyến đê Hữu Phủ vào di tích đền Phú Sơn thấy rõ kết cấu của di tích này gồm có 3 phần: Cổng chính được xây bằng gạch đá cao 2 tầng (khoảng 4-5m), phía trên có mái; mặt trước, sau và 4 góc mái đều có chạm khắc nổi hình đầu rồng, các hoa văn mỹ thuật…; trung tâm đền là nhà từ đường, nằm ngay sau là nhà thượng điện - nơi thờ tự cao nhất của ngôi đền. Nhà từ đường và thượng điện đều được xây dựng bằng gạch đá tạo thành từng khối liên kết với lối kiến trúc cổ kính, xung quanh có chạm khắc nổi hoa văn, mỹ thuật.
Tuy nhiên, do di tích được xây dựng từ lâu năm, lại không được trùng tu, tôn tạo thường xuyên nên nhiều hạng mục đã bị hư hỏng, xuống cấp rất nghiêm trọng và đáng báo động.
Hệ thống tường nhà từ đường, thượng điện và cổng chính bị rêu phong mốc meo, bong tróc, nứt nẻ loang lổ; nhiều lớp gạch vữa vỡ sụt lún, khoét sâu vào bên trong; một số cột trụ chịu lực bị nứt toác, mục nát; toàn bộ phần mái ngói và hệ thống hoa văn điêu khắc, mỹ thuật bị mất mát, hư hỏng…; mặt bằng sân di tích từ ngoài cổng vào sâu bên trong cỏ dại mọc um tùm; nền nhà từ đường và thượng điện gạch đá vỡ vụn, sụp lún mất kết cấu. Ngoài ra, do khu vực di tích không có tường rào và cổng bảo vệ nên trâu bò ra vào phóng uế bừa bãi. Nằm ngay bên cạnh đền Phú Sơn còn có ngôi nhà nhỏ chùa Phú Sơn cũng bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng đã trở thành phế tích từ lâu.
Một số người cao tuổi ở xã Tượng Sơn, cho biết di tích đền Phú Sơn lấy từ tên làng Phú Sơn, thờ thần Tam Lang. Đền được xây dựng bằng đá, gạch nung, vôi vữa vào khoảng niên đại thời nhà Nguyễn, với lối kiến trúc từng khối cổ kính, chạm khắc hoa văn rồng phượng nghệ thuật tinh xảo, độc đáo. Trước đây, quy mô đền rất đồ sộ, diện tích rộng, có tường chạy dài ra đến bờ sông Rào Cái, cổng chính có 2 con ngựa trên có tướng cưỡi, 2 cây gội 2 người ôm không xuể, rừng cây ùm tùm được trồng theo hình chim phượng bay ra bờ sông…
Đền kết hợp cùng ngôi chùa nhỏ nằm bên cạnh (không rõ chùa được xây dựng từ thời nào) tạo thành một cụm di tích gắn với tín ngưỡng văn hóa dân gian của người dân. Ngày xưa, hàng năm, tại cụm di tích này, người dân trong vùng nườm nượp đến làm lễ ngày rằm tháng giêng, rằm tháng bảy và lễ kỳ phúc lục ngoạt... Ngoài ra, người dân còn làm lễ tế Thần nông trước cửa đền, tổ chức hát nhà trò tại đền.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Kim Huy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, cho biết xã đã nhiều lần có tờ trình kiến nghị lên UBND huyện Thạch Hà, trước mắt là cho bảo vệ lại, đồng thời kiến nghị Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh, các cơ quan bảo vệ di sản văn hóa giúp đỡ để khảo sát, nghiên cứu, tìm nguồn kinh phí hỗ trợ tôn tạo, phục dựng, bảo tồn cụm di tích kiến trúc này. Nếu không, vào mùa mưa bão, cụm di tích sẽ đối mặt với nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả…