Bất ổn gia tăng
Tình hình căng thẳng bùng phát ở Kosovo sau khi Serbia tuyên bố bắt giữ 3 lính đặc nhiệm Kosovo trên lãnh thổ Serbia. Tổng thống Serbia đã gặp các đại sứ của nhóm Quinta (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italy); trưởng phái đoàn thường trực Liên minh châu Âu (EU) tại Serbia; Tướng Michele Ristuccia, chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình KFOR của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Kosovo và Metohija (KiM) “yêu cầu họ làm mọi thứ trong khả năng và không để xảy ra một cuộc chiến mới ở Balkan”.
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan hành pháp Kosovo Albin Kurti kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc Belgrade phải thả 3 cảnh sát. Hôm 14-6, Kosovo cũng đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa và cung cấp hàng hóa từ miền Trung Serbia. Tổng thống Vucic cáo buộc Kosovo ngăn cản người Serbia ở miền Bắc vùng lãnh thổ này có được thức ăn và thuốc men.
Kosovo - vùng lãnh thổ có dân số chủ yếu là người gốc Albania, từng là một tỉnh của Serbia, nhưng đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 2008. Đến nay, Serbia không công nhận và vẫn coi đây là một phần lãnh thổ của mình.
Tình trạng bất ổn trong khu vực đã gia tăng kể từ cuộc bầu cử tháng 4, sau khi người đứng đầu cơ quan hành pháp Kosovo Albin Kurti quyết định bổ nhiệm một loạt thị trưởng sắc tộc Albania tại những khu vực đông người gốc Serbia sinh sống.
Những căng thẳng gần đây ở Kosovo cũng đã khiến NATO gửi thêm quân đến khu vực. Liên minh cho biết sẽ gửi thêm 700 binh sĩ vào Kosovo, nâng số quân của NATO ở đây lên 4.700 người.
EU mất kiên nhẫn
Căng thẳng giữa Serbia và Kosovo làm dấy lên lo ngại về sự tái diễn của cuộc xung đột 1998-1999 ở Kosovo khiến hơn 10.000 người thiệt mạng, chủ yếu là người Albania ở Kosovo. Mỹ đã cùng EU và các nước phương Tây khác kêu gọi cả Kosovo và Belgrade lập tức thực hiện các bước để giảm căng thẳng, bao gồm việc trả tự do vô điều kiện cho 3 sĩ quan cảnh sát Kosovo đang bị giam giữ. Phía công tố viên Serbia cho biết, 3 sĩ quan Kosovo bị nghi ngờ sở hữu bất hợp pháp vũ khí, vật liệu nổ và sẽ bị xét xử theo luật pháp.
Cho đến nay, đối thoại giữa hai chính quyền Serbia và Kosovo vẫn bế tắc. Pristina (thủ phủ và là thành phố lớn nhất của Kosovo) có những hành động, dù hợp pháp, nhưng lại có tác dụng gây căng thẳng trên thực địa, trong lúc cộng đồng quốc tế mong muốn một chiến lược nhằm hạ nhiệt.
Đặc biệt, EU càng lúc càng bất bình trước các hành động của chính quyền Kosovo, nhất là việc bổ nhiệm các thị trưởng gốc Albania ở các thành phố mà cộng đồng người gốc Serbia sinh sống.
Theo AP, EU cho rằng chính quyền Pristina phải chịu trách nhiệm về những căng thẳng ở miền Bắc Kosovo. EU cũng cảnh báo chính quyền Kosovo phải gánh chịu “hậu quả chính trị” về các hành động của mình. Trước mắt, chưa phải là các trừng phạt, mà mới chỉ là “các biện pháp hạn chế”, như đình chỉ các chuyến thăm và liên lạc cấp cao.
Trong số các biện pháp, về lý thuyết, EU cũng có thể ngừng hỗ trợ tài chính cho chính phủ Kosovo. EU đã mời lãnh đạo Serbia và Kosovo gặp nhau tại Brussels (Bỉ) vào tuần tới nhằm giảm bớt căng thẳng.