Nguy cơ có thật


Mười năm về trước (ngày 15-9-2008), sau 158 năm hoạt động, ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ đệ đơn xin bảo hộ phá sản với khoản nợ lên tới 619 tỷ USD. 
Năm 2008, sau 158 năm hoạt động, ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ đệ đơn xin bảo hộ phá sản với khoản nợ lên tới 619 tỷ USD
Năm 2008, sau 158 năm hoạt động, ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ đệ đơn xin bảo hộ phá sản với khoản nợ lên tới 619 tỷ USD

Đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, khiến chỉ số Dow Jones giảm trên 500 điểm và chỉ trong một ngày, thị trường chứng khoán Mỹ mất tới 1.100 tỷ USD, gây hoảng loạn toàn bộ các thể chế tài chính. Kể từ đó, mọi thứ vốn không tưởng bỗng trở thành hiện thực. Hoạt động giao dịch liên ngân hàng hầu như bị tê liệt, hàng chục triệu người mất nhà ở, hàng trăm triệu người mất việc làm và hàng ngàn tỷ USD tài sản bị “bốc hơi”, khiến nền kinh tế toàn cầu thất thoát 4.500 tỷ USD vào năm 2009.

Tuy nhiên, theo Le Monde, Lehman Brothers chỉ là giọt nước làm tràn ly, không hẳn là điểm khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất kể từ năm 1929 năm xảy ra đại khủng hoảng kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng đã bắt đầu 1 năm trước đó với sự bùng nổ của đầu cơ bong bóng dưới chuẩn, các khoản thế chấp vô tội vạ… Rủi ro cứ lan rộng không thể kiểm soát. 

Mười năm sau, tăng trưởng đã trở lại. Bất chấp trách nhiệm của mình trong khủng hoảng, các ngân hàng Mỹ chưa bao giờ mạnh như vậy. Các thị trường chứng khoán thay nhau lập các kỷ lục. Người giàu chưa bao giờ giàu thế. Hầu hết các quốc gia tự trấn an mình với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Giới quản lý chấp nhận bị kiểm soát hơn một chút, coi như cái giá phải trả. 

Nhưng lòng tin thì đã lung lay. Sau một thập kỷ trì trệ và thắt lưng buộc bụng, người ta không còn tin vào các giá trị dân chủ, không còn hy vọng vào việc mở cửa biên giới, ước muốn giảm bất bình đẳng bị nghi ngờ, toàn cầu hóa thoái trào. Nợ - yếu tố gây nên khủng hoảng năm 2008, thậm chí còn cao hơn 10 năm trước. Thời khủng hoảng, các ngân hàng trung ương đã vượt qua mọi ranh giới, triển khai hàng loạt những công cụ bất thường mà không để tâm đến hậu quả. Khi tín dụng cạn kiệt sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, các ngân hàng giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục và thậm chí là lãi suất âm, tiếp đó là bơm tiền ồ ạt vào hệ thống tài chính. Kết quả, ở khắp nơi, bong bóng đầu cơ được hình thành. Đáng ngại hơn nữa là các giải pháp trong năm 2008 có thể sẽ không hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng tiếp theo. Không đủ thời gian để tái phục hồi công cụ tiền tệ. Lãi suất quá thấp khiến các ngân hàng trung ương sẽ không còn có thể sử dụng biện pháp nới lỏng tín dụng để thúc đẩy nền kinh tế. Công cụ chính sách cũng có thể không thành công. 

Nhà phân tích Joerg Kraemer của Ngân hàng Commerzbank (Đức) cảnh báo rằng dù các ngân hàng đã trở nên vững vàng hơn kể từ năm 2008, nguy cơ bong bóng vỡ vẫn hiện hữu. Cựu Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet nhận định, nợ quá lớn khiến hệ thống tài chính trở nên dễ bị tổn thương giống như 10 năm trước. Những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính vẫn còn nguyên giá trị. 10 năm trước, sự phối hợp tầm quốc tế đã ngăn chặn những sai lầm của năm 1929, bắt đầu với việc viện tới chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, trong một thập kỷ, thị trường cũng đã bão hòa với các phương thức cũ. Điều cần bây giờ là các nhà hoạch định chính sách tìm ra được biện pháp mới để giải quyết hiệu quả vấn đề thay vì vẫn loay hoay với giải pháp cũ. Bởi trong bối cảnh chiến tranh thương mại đe dọa các bên, trật tự đa phương bị phá vỡ, nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng khác dù chưa biết rõ nguyên nhân là có thật.

Tin cùng chuyên mục