Trước tình hình đó, người dân trên đảo ồ ạt khoan giếng để tìm nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Điều này dẫn đến nguy cơ khai thác nước ngầm vượt quá mức cho phép.
Một giếng 20 máy bơm
Trên cánh đồng xã An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn), nhiều người dân đang tất bật chăm sóc, tưới nước cho những ruộng hành, tỏi. Ở Lý Sơn, mấy năm trở lại đây, nhiều người đã sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước. Hơn 100ha diện tích trồng hành, tỏi sử dụng phun mưa bán tự động tiết kiệm nước, nhưng vẫn không đủ khi thời tiết ngày càng khắc nghiệt, cây trồng khô héo.
Giếng Ông Lý có đến hơn 20 chiếc máy bơm hoạt động cùng lúc, nhất là vào cao điểm nắng nóng
Chị Nguyễn Thị Dậu (xã An Vĩnh) cho biết: “Thời tiết ngày càng oi bức, ở đảo Lý Sơn, không có kênh dẫn nước từ hồ đập như đất liền, nên chỉ nhờ nước trời vào mùa mưa, nắng thì phải tận dụng vùng có nước ngọt khoan sâu lấy nước. Nhiều người đã đào đến 19 - 20m nhưng chỉ gặp tầng đá hoặc nước nhiễm mặn, không thể lấy tưới cho đồng ruộng”.
Cả làng An Vĩnh có giếng Ông Lý, nhiều người biết tiếng còn gọi là giếng không cạn. Ông Phạm Lợi (xã An Vĩnh) cho biết: “Đây là giếng nước ngọt đầu tiên trên huyện đảo, có thể cùng lúc có đến 18 - 20 máy bơm hoạt động suốt ngày đêm mà nước không cạn, đặc biệt là nước không bị nhiễm mặn mà còn rất ngọt”.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, thống kê: Toàn huyện hiện có trên 2.000 giếng nước gồm giếng khoan, giếng đào, phục vụ cho hơn 23.000 dân và trên 500ha đất nông nghiệp. Trước tình trạng trữ lượng nước ngọt khan hiếm, những năm gần đây, một số diện tích đất bị nhiễm mặn nghiêm trọng, tập trung chủ yếu ở xã An Vĩnh và xã An Hải. “Các khu này diện tích nhiễm mặn đến hơn 50%, trữ lượng nước ngọt khan hiếm, điều này dẫn đến tình trạng khai thác mực nước ngầm vượt quá mức cho phép”, bà Hương nói.
Khẩn cấp bảo vệ túi nước ngầm
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết vừa qua, đơn vị đã tiến hành quan trắc, kiểm tra 6 giếng do Bộ TN-MT khoan để đánh giá ban đầu về lượng khai thác mạch nước ngầm. “Mạch nước ngầm đang khai thác vượt quá mức cho phép. Trên cơ sở tính toán, số liệu đối chiếu của Bộ TN-MT thì trữ lượng nước ngầm cho phép khoảng 16.000m3/ngày đêm, nhưng thực tế quan trắc lượng khai thác tại đảo Lý Sơn đến 21.000m3/ngày đêm, vượt hơn 5.000m3/ngày đêm”, ông Trung cảnh báo. Mặc dù đã có những cảnh báo về sự mất an toàn của nguồn nước ngầm, nhưng tình trạng khai thác vẫn diễn ra. Huyện ủy Lý Sơn đã chủ trương nghiêm cấm việc đào, khoan, đóng giếng trái phép, đồng thời trám lấp các giếng khoan trái phép.
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy, cho biết: “Trước tình trạng khai thác vượt ngưỡng cho phép và để đảm bảo nước cho người dân đảo, huyện sẽ tiến hành khẩn cấp xây dựng dự án hệ thống thu giữ nước mưa phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, bảo vệ túi nước ngầm trên đảo. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu tìm ra phương án tối ưu chứ trên huyện đảo Lý Sơn việc xây dựng hồ chứa nước gặp nhiều trở ngại. Bởi lẽ, do ở đây nắng gió quanh năm nên nước bốc hơi rất nhanh. Trước mắt, chúng tôi khuyến khích người dân chủ động tích trữ nước trong mỗi gia đình, tiết kiệm nước”.
Ngoài những khó khăn về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, người trồng hành, tỏi ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn gặp cảnh được mùa hành mất mùa tỏi, được mùa tỏi lại mất mùa hành… Lý Sơn đang phát triển cơ sở hạ tầng, điều này dẫn đến tình trạng nhiều diện tích nông nghiệp bị thu hẹp, dẫn đến việc người dân có xu hướng chuyển đổi cây trồng.