Giảm số lượng lẫn chất lượng
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có tổng trữ lượng nước khai thác tiềm năng khoảng 63 tỷ m3/năm. Nước dưới đất phân bố không đồng đều trên phạm vi cả nước, tập trung chủ yếu ở đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ và khu vực Tây Nguyên.
Tổng lượng nước đang khai thác, sử dụng hàng năm khoảng 81 tỷ m3, xấp xỉ 10% tổng lượng nước hiện có trung bình hàng năm của cả nước. Nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài vì có gần 2/3 lượng nước từ nước ngoài chảy vào.
Trong khi các nước ở khu vực thượng lưu đang tăng cường xây dựng các công trình thủy điện, chuyển nước và xây dựng nhiều công trình lấy nước, gây nguy cơ nguồn nước chảy về nước ta sẽ ngày càng suy giảm và Việt Nam sẽ khó chủ động được về nguồn nước.
Nhu cầu nước gia tăng, trong khi nguồn nước đang tiếp tục suy giảm, đặc biệt trong mùa khô. Có 4 lưu vực sông đang bị khai thác ở mức căng thẳng bao gồm sông Mã, sông Hương và các sông thuộc tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự báo đến năm 2020, tình trạng khan hiếm, thiếu nước sẽ còn tăng mạnh so với hiện nay và hầu hết lưu vực sông của Việt Nam đều ở trạng thái căng thẳng về sử dụng nước.
Không chỉ nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều khu vực dân cư. Một số khu vực, nước dưới đất có nguy cơ ô nhiễm chất arsen cao, nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng (có 792 xã) và đồng bằng sông Cửu Long (229 xã), vùng Bắc Trung bộ (155 xã).
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng đang xây dựng, sau khi hoàn thành sẽ góp phần tái tạo, bảo vệ nguồn nước thành phố. Ảnh: CAO THĂNG
Đặc biệt, nguồn nước ở hầu hết khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề đều đã bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng (như lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai, sông Sài Gòn) do nước thải từ các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, đô thị không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn xả vào nguồn nước.
Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rừng đầu nguồn bị suy giảm, diện tích rừng không được cải thiện, chất lượng rừng kém đã làm giảm nguồn sinh thủy. Đây là một trong những nguyên nhân cũng góp phần làm nguồn nước cạn kiệt, thiếu nước trong mùa khô và gia tăng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vào mùa mưa trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xâm nhập mặn cũng tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới tài nguyên nước.
Mùa khô ngày càng kéo dài, hạn hán gây thiếu nước xảy ra trên diện rộng từ năm 2008 đến nay. Mực nước biển dâng cao dẫn tới ngập lụt vùng ven biển; gia tăng tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông, đồng bằng ven biển; gây xói lở, sa bồi…
Phải thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để ngăn nguy cơ cạn kiệt và thiếu nước trong tương lai, nhiều ý kiến cho rằng, phải đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, nhất là đối với nguồn nước liên quốc gia của Việt Nam.
Đây là vấn đề hệ trọng, có ý nghĩa sống còn, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế hợp tác, đối thoại, đấu tranh nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng công bằng hợp lý nguồn nước của các sông liên quốc gia, hạn chế các tác động, rủi ro; đồng thời cũng phải có phương án, giải pháp để chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh.
Chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường năng lực thực thi có hiệu quả các chính sách, pháp luật trong quản lý và bảo vệ tài nguyên nước; tập trung đưa Luật Tài nguyên nước thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm việc thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước quốc gia hiệu quả và bền vững; xây dựng các cơ chế chia sẻ, phối hợp, giám sát để tăng cường điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống những tác hại do nước gây ra.
Liên quan đến lĩnh vực này, ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho rằng bên cạnh giải pháp tuyên truyền sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, Việt Nam cũng phải đẩy mạnh đầu tư các dự án xử lý nước, nguồn vốn để đầu tư dự án xử lý nước đạt tiêu chuẩn cung cấp cho các dô thị trong giai đoạn 2020-2025, ước tính cần khoảng gần 11 triệu USD.
Trao đổi về nội dung này, TS Bùi Du Dương, Trưởng ban Quan trắc giám sát tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Việt Nam cần phải sớm xây dựng và triển khai quy hoạch tài nguyên nước chung cho cả nước, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông lớn, liên tỉnh và quy hoạch tài nguyên nước ở từng địa phương; tạo cơ sở, lộ trình cụ thể nhằm giải quyết đồng bộ các vấn đề bảo vệ tài nguyên nước; củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực khoa học, công nghệ, năng lực quản lý tài nguyên nước ở các cấp và tăng cường xã hội hóa các hoạt động điều tra cơ bản, quan trắc, lập quy hoạch và các dịch vụ công khác về tài nguyên nước.
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức của xã hội về an ninh nguồn nước, trách nhiệm bảo vệ và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả. Cùng với đó là đầu tư và tổ chức thực hiện điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, nâng cao khả năng dự báo tài nguyên nước, ô nhiễm nguồn nước, lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra; hỗ trợ phát triển nguồn nước và phát triển cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước.