Hiện tượng này có thể dẫn đến việc hình thành thêm các khu vực ngập mới và TPHCM sẽ lại “hụt hơi” chống ngập! Hậu quả của cơn sốt đất nền trong thời gian gần đây không chỉ là làm méo mó thị trường bất động sản mà về lâu dài, có thể tạo ra các khu nhà ở thiếu kết nối hạ tầng kỹ thuật - xã hội, gia tăng nguy cơ ngập lụt.
Nhà tăng hàng ngày, cống phải chờ vốn
Đường số 8 phường Trường Thạnh (quận 9) chỉ dài khoảng 1km, đường đất rải sỏi với bề rộng tầm 6m, việc đi lại còn khó khăn nhưng lại quy tụ khá nhiều đất nền, cả dự án phân lô của doanh nghiệp lẫn người dân. Trên những mảnh đất lớn hình thành con đường rộng khoảng 6m - 8m, chia thành hàng chục nền đất theo quy cách 50m2 - 54m2/nền.
Thậm chí, dự án phân lô của Công ty Bất động sản Nhà Việt, theo lời giới thiệu của nhân viên và sơ đồ phân lô của công ty, lên đến 191 lô đất nền. Nhìn bề nổi, trên những con đường trải nhựa đều được xây dựng các miệng cống thu gom nước, nhưng thực ra cả nước mưa và nước thải từ những căn nhà mới đều thoát ra các vùng đồng bưng, kênh rạch, vì đường số 8 vẫn chưa có hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, phần diện tích thoát nước tự nhiên này đang bị thu hẹp dần vì nhiều con rạch nhỏ không tên hoặc các vùng trũng thoát nước vẫn tiếp tục được san lấp, bơm cát tôn nền để… phân lô! Đường số 8 nối ra trục chính là đường Lò Lu - tâm điểm của vụ sốt đất gần đây. Tuyến đường này dài hơn 2km với vài chục dự án đất nền rao bán nhưng cũng chưa có hệ thống thoát nước. Theo báo cáo của UBND quận 9, trên địa bàn quận còn gần 150 tuyến đường chưa có cống thoát nước.
Đường Lò Lu, quận 9, TPHCM chưa có hệ thống thoát nước Ảnh: THÀNH TRÍ
Không chỉ quận 9, nhiều địa phương vùng ven khác như Bình Chánh, Hóc Môn hay Củ Chi… đa phần các tuyến đường đều chưa có cống thoát nước, thế nhưng lại chính là nơi phát triển nhiều dự án phân lô bán nền trong thời gian qua. Các địa phương trần tình, nếu đáp ứng đủ các điều kiện của Quyết định 33/2014 của UBND TPHCM (quy định về diện tích tối thiểu cho phép tách thửa) thì phải cho phép tách thửa. Còn vấn đề cống thoát nước là do Nhà nước chưa đầu tư nên chưa thể kết nối đồng bộ. Vì thế, trong tổng thể mặt bằng đều yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng hệ thống thoát nước từng lô đất và làm sẵn đường ống, cửa thu..., sau này khi có tuyến cống thoát nước đi ngang qua sẽ đấu nối vào. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một địa phương, để lắp đặt hệ thống thoát nước cho các tuyến đường cần phải chờ mở rộng đường để đầu tư đồng bộ, hoặc các tuyến không mở rộng thì phải khảo sát, lập dự toán, trình HĐND TP xem xét, nếu được thông qua thì Sở Tài chính mới ghi vốn, rồi tiến hành công tác đấu thầu… Thủ tục có thể kéo dài cả 1 - 2 năm, trong khi đó, các dự án phân lô bán nền cứ liên tục “sinh sôi nảy nở” từng ngày.
Xã hội hóa đầu tư chống ngập
PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM, nhận xét năng lực thoát nước của TP còn nhiều hạn chế, vẫn chưa thể giải quyết vấn đề ngập cho đô thị hiện hữu. Tình trạng nhà cửa ồ ạt mọc lên tại các khu vực chưa được đầu tư và kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước chắc chắn sẽ gây ngập và TP lại phải “căng mình” lo chống ngập.
Dẫn chứng cụ thể của hiện tượng này là các khu vực phân lô bán nền, xây dựng tràn lan ở Thủ Đức hiện đã bị ngập. Ông Phi phân tích, công tác chống ngập sử dụng vốn ngân sách - chiếc bánh vốn bé nhưng phải chia cho rất nhiều lĩnh vực đầu tư công khác, trong khi phát triển các dự án là vốn doanh nghiệp. Do đó, TP dù có hụt hơi chống ngập thì vẫn chỉ là chạy theo sau để giải quyết hậu quả, mà việc giải quyết hậu quả bao giờ cũng khó khăn hơn chủ động quản lý đầu tư từ đầu. “Phí bảo vệ môi trường thu từ tiền nước sạch cũng chỉ đủ để nạo vét cống chứ chưa đủ tiền sửa chữa, duy tu, nói gì đến đầu tư mới. Vốn vay thì nhỏ giọt mà chúng ta cũng đã vay quá nhiều và còn nhiều lĩnh vực để đầu tư chứ không phải riêng chống ngập. Vì thế, để cải thiện tình trạng này, cốt lõi nhất là đổi mới cơ chế vốn đầu tư vào thoát nước - chống ngập. Đó chính là xã hội hóa, thay vì ngân sách phải kham hết!”, PGS-TS Hồ Long Phi đề xuất.
Theo đó, việc đầu tư hạ tầng, công trình thoát nước - chống ngập nên giao cho các đơn vị công ích hay doanh nghiệp đảm nhận. Bên cạnh đó, cần có những cơ chế tài chính để họ thu lợi cho khoản đầu tư đã bỏ ra, chẳng hạn họ được thu phí thoát nước, xử lý nước thải từ các nguồn xả thải như thu phí xử lý rác hiện nay.
Đồng thời, cần phải tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng nói chung và hệ thống thoát nước - chống ngập nói riêng vào các dự án đầu tư bất động sản. Đây phải là trách nhiệm của chủ đầu tư, chứ không chỉ bán bất động sản lấy tiền bỏ túi còn việc thoát nước - chống ngập lại để ngân sách phải gánh .