Chiều 24-2, liên quan tới việc 117.000 liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca đã về đến Việt Nam, Bộ Y tế có thông tin tới báo chí về việc sử dụng số vaccine này và những kế hoạch tiếp theo.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, số vaccine này sẽ được tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19; tiếp đến là lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các chốt, lực lượng công an tại các khu vực cách ly phong tỏa, lực lượng lấy mẫu, truy vết, lực lượng phòng chống dịch thuộc các tổ Covid-19 cộng đồng, các phóng viên tác nghiệp tại khu vực có dịch. Đầu tháng 3 sẽ tiến hành tiêm số vaccine này. Cuối tháng 3 có thể thêm 1,2 triệu liều. Việc tiêm vaccine được thực hiện trên nguyên tắc ưu tiên tiêm người có nguy cơ cao đến người có nguy cơ thấp, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, những liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca về Việt Nam rất kịp thời trong lúc cả nước đang ứng phó với đợt bùng phát mới. Vaccine này sẽ giúp chúng ta tiến một bước gần hơn tới việc vượt qua đại dịch Covid-19 và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Bộ Y tế đánh giá cao sự hợp tác tích cực của tất cả các cơ quan, bộ, ngành liên quan, AstraZeneca Việt Nam và VNVC đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á tiếp cận với vaccine phòng chống dịch Covid-19.
Về việc cung ứng vaccine phòng chống Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay có các nguồn vaccine sau:
Thứ nhất, nguồn của COVAX Facility khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để trong năm 2021 có đủ 30 triệu liều này;
Thứ hai, nguồn vaccine của AstraZeneca. Ngày 23-2, Bộ Y tế đã đàm phán lần cuối cùng với AstraZeneca và Công ty VNVC. Lô 30 triệu liều vaccine này được Bộ Y tế mua của AstraZeneca thông qua Công ty VNVC. Bộ Y tế sẽ sớm trình Chính phủ thực hiện theo điều 26 của Luật Đấu thầu cho mua vaccine theo cơ chế đặc biệt để Việt Nam sớm có vaccine;
Thứ ba là vaccine của hãng Pfizer. Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán, khả năng trong năm 2021, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều và Bộ Y tế xin chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vaccine này;
Thứ tư là vaccine Sputnik V của Nga, Bộ Y tế đang tích cực đàm phán và tuần này sẽ họp hội đồng cấp phép cho vaccine của Nga. Về phía nhà sản xuất vaccine Sputnik V thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều.
Cùng với đó, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty khác không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác.
“Như vậy, trong năm 2021 chúng tôi đảm bảo không thiếu vaccine ngừa Covid-19. Bộ Y tế đang hết sức nỗ lực để triển khai tiêm. Có thể nói rằng, chúng ta triển khai trong đợt này là đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với trên 100 triệu liều. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong ngành y tế và ngoài ngành tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Liên quan tới lộ trình cung ứng vaccine, Bộ Y tế cho biết, trong Quý I, dự kiến có 1,3 triệu liều, trong đó 117.000 liều đã về ngày 24-2, số còn lại về trong tháng 3; Quý II dự kiến có 9,5 triệu liều và Quý III có 25,9 triệu liều; Quý IV có 51,1 triệu liều. Như vậy trong năm nay, Việt Nam sẽ tổng số là 90 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.