Một cánh rừng ngập mặn tại huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) |
Rừng ngập mặn là nơi người dân đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, khai thác dược liệu và cũng là nơi mưu sinh hàng ngày của rất nhiều người. “Mùa nào thức nấy”, rừng ngập mặn mang trong mình nhiều loài đặc sản như cá bớp, cá đối, cá lệch, cua, cáy, ốc xoắn… Bên cạnh những cánh rừng, người dân tổ chức nuôi ong lấy mật, nuôi tôm…
Mùa này, chỉ riêng việc đi săn cáy dưới rừng ngập mặn đã mang về cho người dân thu nhập đáng kể. Bình quân mỗi người bắt được 4-5kg cáy/buổi, giá bán dao động 60.000 - 80.000 đồng/kg. Trong khi đó, những người đi bắt ốc xoắn mỗi ngày bắt được khoảng 10kg, bán được tầm 180.000 - 200.000 đồng.
Đặc biệt, dưới tán rừng ngập mặn có loài cá nác hoa - đặc sản của vùng Nga Sơn, Hậu Lộc. Có một số người đi săn loài cá này vì giá bán rất cao, bình quân từ 180.000 đồng - 200.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vì loài cá này được xem là quý hiếm nên người dân cũng rất hạn chế săn bắt.